Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh có 7.011 hội viên, 5.140 nạn nhân được hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 3.248 người là nạn nhân trực tiếp, 1.892 người là nạn nhân gián tiếp. Đa số nạn nhân đều có độ tuổi tương đối cao, sức khỏe yếu, nhiều gia đình có con, cháu bị dị dạng, dị tật, không thể tự chăm sóc bản thân, tự chủ sinh hoạt hàng ngày. Đây là những hoàn cảnh khó khăn cần sự chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng.
Xác định nhiệm vụ chăm lo đời sống cho các nạn nhân da cam là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "Vì nạn nhân chất độc da cam", đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong huy động mọi nguồn lực nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho các nạn nhân.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động, tranh thủ sự ủng hộ về tiền và hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động, các cấp Hội đã tổ chức thăm hỏi, trao tặng 10.550 suất quà cho các nạn nhân vào các dịp lễ, Tết; khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho 330 đối tượng; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho 11 nạn nhân với số tiền 590 triệu đồng; điều trị bệnh, thăm hỏi đột xuất, tặng quà các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 40 triệu đồng; hỗ trợ 120 triệu đồng cho 15 gia đình hội viên vay vốn phát triển kinh tế…
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 58 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8) vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động, tiếp nhận và trao tận tay 13.317 suất quà tới các nạn nhân; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Bệnh viện Việt Đức tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 330 đối tượng là nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn huyện Kim Sơn. Theo số liệu thống kê, 100% nạn nhân da cam tại các địa phương trong toàn tỉnh đã nhận được quà và tiền hỗ trợ trong dịp này.
Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống các nạn nhân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thường xuyên đổi mới phương pháp và cách thức giúp đỡ. Thông qua việc nắm vững gia cảnh, định kỳ rà soát số lượng con của người hoạt động kháng chiến bị dị tật, dị dạng do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đề nghị giám định để hưởng các chính sách theo quy định. Các cấp Hội cũng tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; vận động các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân cùng chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân về vật chất cũng như tinh thần. Đồng thời, phối hợp với các trường học nhằm giáo dục cho các em học sinh lòng nhân ái, yêu thương, chia sẻ với các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật. Tuyên dương những tấm gương của nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt khó vươn lên, những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm lo đời sống cho nạn nhân chất độc da cam còn gặp nhiều khó khăn như: Việc giải quyết chế độ cho nạn nhân gặp nhiều vướng mắc; còn hồ sơ tồn đọng của người nhiễm chất độc da cam chưa được giải quyết do thiếu giấy tờ, giấy tờ gốc bị mất; mức trợ cấp thấp nên đời sống vẫn khó khăn, nhất là những người bệnh nặng; hoạt động của một số tổ chức hội chưa đồng đều; việc vận động, kêu gọi tài trợ còn gặp nhiều khó khăn…
Đồng chí Tạ Quang Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: thời gian tới Hội sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phấn đấu các chi hội đều đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện; quan tâm phát triển hội viên là nạn nhân bị phơi nhiễm, người tham gia kháng chiến; nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ và hội viên; xây dựng kế hoạch vận động đa dạng về hình thức và nội dung; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng… nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Mạnh Tuấn