Hiện nay Thành hội có 645 hội viên chính thức đang sinh hoạt thường xuyên tại 14 chi hội. Để có quỹ hoạt động, Hội đã chủ động tham mưu, đề xuất cùng MTTQ thành phố xây dựng đề án thống nhất các cuộc vận động trong khu dân cư, trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố thành quỹ vận động tình nghĩa và an sinh xã hội do ủy ban MTTQ thành phố chủ trì. Từ năm 2009 đến hết năm 2016, Hội đã được Ban vận động Đề án phân bổ hơn 160 triệu đồng. Số tiền này được bổ sung vào quỹ nạn nhân chất độc da cam, vì vậy hàng năm Hội có thêm điều kiện để chăm sóc, giúp đỡ hội viên. Cùng với việc thực hiện đề án, từ năm 2012, Hội phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tham mưu đề xuất với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố vào dịp ngày 27/7 và dịp Tết Nguyên đán hàng năm có quà của Thành phố cho đối tượng là nạn nhân chất độc da cam trực tiếp tham gia kháng chiến và thân nhân gia đình liệt sỹ, mỗi suất quà 200 nghìn đồng. Hội cũng đã chủ động vận động hội viên tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ tình nghĩa để giúp nhau giải quyết khó khăn. Đến hết tháng 3/2017, quỹ tình nghĩa ở Thành hội là 30 triệu đồng, ở 14 chi hội gần 200 triệu đồng. Ngoài ra Hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thiết lập mối quan hệ với nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và vận động một số cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ nạn nhân; tổ chức các hình thức đưa các nhà tài trợ trực tiếp đi thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp khó khăn đột xuất, cấp tặng xe lăn, trao học bổng cho nạn nhân. Nhờ đó ngày càng có nhiều sự quan tâm dành cho nạn nhân như: Công ty giấy vở Hồng Điệp ủng hộ 50 triệu đồng, Công ty xây dựng Việt Thành 35 triệu đồng, Nhà máy Điện Ninh Bình 28 triệu đồng...
Cùng với việc vận động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội đã chủ động xây dựng Đề án "Trang trại xanh" nhằm đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên và gia đình của họ. Dự án được UBND thành phố phê duyệt và từ năm 2009 được Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tài trợ. Triển khai thực hiện đề án, Hội đã nhanh chóng tổ chức lớp dạy nghề trồng hoa lan, hoa ly và một số loại hoa khác cho 68 người và lớp dạy nghề trồng rau sạch, trồng nấm cho 42 người là hội viên và nạn nhân. Sau dạy nghề Hội tiếp tục hỗ trợ 35 triệu đồng tiền vốn và hướng dẫn các gia đình đầu tư sản xuất, nhiều hộ đã thoát nghèo, đặc biệt có những hộ đã vươn lên mức khá, giàu. Từ các hoạt động tích cực và tâm huyết của cán bộ, hội viên, 10 năm qua Hội đã vận động, tiếp nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân dành cho nạn nhân chất độc da cam với tổng giá trị trên 4 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ sửa chữa, làm nhà cho 24 gia đình, tặng hơn 8 nghìn suất quà cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ vốn sản xuất và đào tạo nghề, trợ cấp chữa trị bệnh tật... Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Ninh Bình: Để có được những kết quả đó trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ Hội đã luôn nắm chắc tình hình nạn nhân, hiểu rõ những chính sách, chủ trương của địa phương sau đó đề ra nội dung, việc làm phù hợp để tham mưu với cấp ủy, chính quyền xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời đề cao tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam của đội ngũ cán bộ Hội, động viên hội viên và nạn nhân gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, không tự ti, mặc cảm, chủ động vươn lên hòa nhập cộng đồng...
Đào Duy