Anh Lê Văn Tiên là một trong những thanh niên đã khởi nghiệp thành công từ mô hình sản xuất nông sản an toàn. Lê Văn Tiên cho biết: Sinh ra và lớn lên ở xã Gia Phương - vùng đất gắn liền với nông nghiệp thuần túy của huyện Gia Viễn, tôi cũng giống như bao bạn trẻ khác là được gia đình nuôi ăn học với tấm bằng kỹ sư xây dựng với mục đích là thoát ly khỏi nông nghiệp. Sau khi ra trường, tôi công tác ở nhiều nơi từ Tây Bắc, Tây Nguyên, thậm chí sang cả nước bạn Lào và cũng đạt được những thành công nhất định. Nhưng chính những ngày tháng xa nhà, xây dựng cuộc sống nơi "đất khách quê người" giúp tôi hiểu rằng, mình cần phải khẳng định sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình ngay tại quê hương...
Công cuộc khởi nghiệp của Lê Văn Tiên bắt đầu từ chính những mảnh ruộng của ông cha. Xuất thân trong gia đình thuần nông nên anh thấu hiểu được sự vất vả của việc sản xuất nông nghiệp đơn thuần với lối canh tác ngoài trời, thủ công; sự thiếu hiểu biết trong sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV cùng những ảnh hưởng của thời tiết…, đã khiến cho sản xuất nông nghiệp truyền thống chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Sau khi nghiên cứu nhu cầu của thị trường, tìm hiểu phương thức sản xuất, Lê Văn Tiên quyết định chọn con đường lập nghiệp tại quê hương, đó là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Năm 2016, với số vốn tích góp từ nghề xây dựng (200 triệu đồng), Lê Văn Tiên quyết định vay mượn của anh em, bạn bè để triển khai dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô 3.000m2 nhà lưới. Qua một năm sản xuất, nhận thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn, cuối năm 2017 được sự khuyến khích và hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Lê Văn Tiên mạnh dạn mở rộng thêm gần 3.000m2 nhà lưới nữa. Và đến đầu năm 2018, anh cùng một số bà con trong xã có nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa ứng dụng công nghệ cao thành lập HTX Dịch vụ thương mại và Sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng. Ngoài ra, anh còn mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản kết hợp trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cua đồng, ốc nhồi, cá rô đồng - đây là những con nuôi nổi tiếng của vùng đất chiêm trũng Gia Viễn.
Mạnh dạn thay đổi tư duy, phương thức làm ăn khoa học, đến nay tổng doanh thu của HTX Dịch vụ thương mại và Sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng đã đạt trên 3 tỷ đồng/năm. Riêng doanh thu từ trang trại của Lê Văn Tiên đạt trên 700 triệu đồng/năm, mức lương trung bình của công nhân đạt từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Với những thành công bước đầu, Lê Văn Tiên dự định tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng hơn, góp phần phát triển kinh tế gia đình và đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương.
Lê Văn Tiên chia sẻ: Quá trình khởi nghiệp anh đã được Huyện đoàn Gia Viễn tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và được sự hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vì vậy dự án nhanh chóng được triển khai hiệu quả.
Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian qua, Hội LHTN huyện Gia Viễn đã coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm thông qua các hội nghị tập huấn, các buổi sinh hoạt chi đoàn, các hoạt động tham quan mô hình cụ thể..., qua đó giúp thanh niên có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp và việc làm, định hướng và chọn nghề phù hợp; tổ chức tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, khuyến khích thanh niên góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh... Bên cạnh đó, các cấp bộ Hội trong toàn huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tổ chức "Ngày hội tư vấn về vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động", "phiên giao dịch việc làm". Đồng thời chủ động tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện với cán bộ, đoàn viên, thanh niên để đoàn viên, thanh niên được trao đổi những băn khoăn về cơ chế, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, hướng sản xuất các cây đặc sản của địa phương, dự báo về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn huyện...
Đặc biệt, trong hành trình đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn, Hội trong huyện tích cực hỗ trợ thanh niên tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn; phối hợp chỉ đạo thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn do thanh niên làm chủ; phối hợp hướng dẫn lập dự án và các thủ tục vay vốn đối với các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương có nhu cầu vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình liên kết phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ các mô hình cùng phát triển.
Thông qua các hình thức trên đã kịp thời động viên, khuyến khích thanh niên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, hạn chế tình trạng thanh niên đi làm ăn xa, qua đó tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn ngày càng đông. Hiện trên địa bàn huyện cũng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của thanh niên trong phát triển kinh tế như: Mô hình CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi, CLB thanh niên giúp nhau làm kinh tế; tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản Gia Minh, tổ hợp tác Gia Hòa..., góp phần tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên, nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: Mai Lan