Ban Thường vụ Huyện hội xác định, việc tập hợp cựu chiến binh không khó nếu tổ chức Hội mang lại quyền lợi cho hội viên. Hội cần phải đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cựu chiến binh; mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan, ban, ngành để đưa vốn, đưa kỹ thuật mới vào sản xuất...
Các cấp Hội đã vận động hội viên đi đầu trong phong trào học tập và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với chức năng của mình, Hội tổ chức và phối hợp tổ chức gần 50 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật làm nghề thủ công cho hơn 900 lượt hội viên cựu chiến binh. Những kiến thức từ các lớp tập huấn này đã bước đầu được áp dụng trong thực tế và dần thay đổi được một số thói quen lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp của hội viên cũng như nhân dân địa phương.
Thực hiện kế hoạch của huyện về sản xuất vụ đông, ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, các cấp hội còn tích cực tham gia tuyên truyền cho hội viên và nhân dân địa phương hiểu được lợi ích thiết thực của chủ trương này. Qua vận động đã có 720 hộ tham gia làm vụ đông trên đất 2 lúa với diện tích 138 ha, trong đó có 112 ha trồng đậu tương, 16 ha ngô... Đa số những loại cây trồng này phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và góp phần tăng thu nhập cho hội viên. Hội Cựu chiến binh các xã Lai Thành, Yên Lộc, Thượng Kiệm là những đơn vị có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng trong toàn Huyện hội.
Để tạo điều kiện về vốn phục vụ việc mở rộng sản xuất của hội viên, các cấp Hội đã làm tốt công tác nhận ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện đúng các chức năng và quy định về nghiệp vụ của tổ vay vốn. Chính vì vậy, tổng dư nợ không ngừng được tăng lên qua các năm, từ 23 tỷ 469 triệu đồng (năm 2009) lên 32 tỷ 589 triệu đồng (năm 2010). Trong đó đối tượng được ưu tiên và hỗ trợ vay vốn nhiều nhất là các hộ nghèo với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, vay chương trình giải quyết việc làm 712 triệu đồng. Ngoài ra còn một số chương trình cho vay hiệu quả khác như chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, vay xuất khẩu lao động... Bên cạnh đó do làm tốt công tác tuyên truyền cũng như hướng dẫn sử dụng vốn vay hiệu quả tới từng hội viên nên hiện nay số nợ quá hạn đã giảm đáng kể so với thời gian trước đây, tạo được uy tín và sự bền vững trong công tác phối hợp giữa tổ chức Hội với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo kết quả bình xét năm 2010 toàn Huyện hội có 729 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 25 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 5 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương. Đặc biệt, Hội Cựu chiến binh các cấp trong huyện đã giúp 22 hộ hội viên thoát nghèo (vượt chỉ tiêu đề ra), có 250 chi hội không còn hội viên nghèo.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho hội viên, các cấp hội cũng chú trọng tới các hoạt động nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cựu chiến binh, điển hình là việc thực hiện chương trình thi đua xây dựng gia đình cựu chiến binh văn hóa (hiện có 92% gia đình CCB đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 94% hội viên đạt tiêu chuẩn hội viên gương mẫu). Ngoài ra, Hội cũng tạo điều kiện để hội viên tham gia vào các hoạt động xã hội tại địa phương như: tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền và trợ giúp pháp lý cho hàng trăm hội viên và nhân dân đặc biệt là ở những địa phương xa trung tâm huyện, vận động nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của Nhà nước... Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ các hoạt động của Hội đối với bản thân, gia đình và cộng đồng nên ngày càng có nhiều cựu chiến binh tự nguyện tham gia vào tổ chức Hội.
Duy Hiền