Xuất ngũ trở về địa phương, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cựu chiến binh Đỗ Văn Đáng, thôn Đoài Thượng, xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Ban đầu, ông cùng một số người bạn đi làm thuê để có thu nhập ổn định cuộc sống và học hỏi kinh nghiệm hướng đến phát triển kinh tế tại gia. Sau vài năm bươn trải nơi đất khách quê người, ông Đáng quyết định phát triển kinh tế từ chính mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên.
Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, cùng với kinh nghiệm được tích lũy trong những năm tháng xa nhà làm thuê, ông Đáng tiến hành cải tạo vườn tược đầu tư mô hình trồng hoa cúc, hoa hồng, thược dược…. Ở Ninh Phúc những năm đó nghề trồng hoa chưa phát triển nhiều, do vậy khi mới bắt tay vào xây dựng mô hình, ông Đáng gặp không ít khó khăn, có những lúc tưởng chừng như thất bại. Tuy nhiên với bản chất, ý chí quyết tâm của người lính cụ Hồ đã không làm ông nản bước. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, một thời gian sau, vườn hoa nhà ông Đáng bước đầu cho thu nhập.
Đến năm 2009, được các cấp hội CCB tập huấn về kỹ thuật trồng hoa ly, ông Đáng tiếp tục mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sang trồng hoa ly. Với việc xen canh tăng vụ giữa trồng hoa và trồng rau, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Mô hình phát triển kinh tế bằng trồng hoa của ông Đáng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội CCB các cấp đã không những giúp gia đình ông thoát khỏi khó khăn mà còn vươn lên khá giàu, xây dựng nhà kiên cố, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại và nuôi 2 con học đại học…
Được biết, để giúp hội viên phát triển kinh tế, các cấp hội CCB thành phố đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có nhiều biện pháp giúp đỡ các hội viên từng bước xóa nghèo bền vững như tích cực tuyên truyền vận động các hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Thường xuyên tổ chức cho các hội viên đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hộ, trang trại, gia trại, tham quan các mô hình kinh tế có thu nhập cao, trồng các loại cây mới, con nuôi đặc sản, giúp các hội viên chủ động áp dụng vào thực tiễn, từng bước đa dạng hóa các mô hình sản xuất. Đồng thời, để giúp hội viên có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, các cấp hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua 47 tổ tiết kiệm cho trên 1.700 lượt hội viên vay phát triển kinh tế với số vốn hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, 100% chi hội của thành phố đã đóng góp xây dựng quỹ hội để thăm hỏi hội viên và luân chuyển cho hội viên vay vốn không tính lãi.
Từ sự giúp đỡ của các cấp Hội CCB, các hội viên đã nỗ lực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Hiện trên địa bàn thành phố có hàng trăm mô hình hội viên CCB phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định từ 100-150 triệu đồng/năm, tập trung ở Hội CCB các phường Ninh Phong, Bích Đào, Ninh Khánh, xã Ninh Phúc, Ninh Sơn… Kết quả, năm 2013, tỷ lệ hội viên CCB khá và giàu chiếm trên 70%, trong đó có tới trên 500 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở, hàng chục hộ gia đình hội viên CCB đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và Trung ương. Các mô hình phát triển kinh tế của hội viên Hội CCB thành phố đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn gần 2 nghìn lao động trên địa bàn.
Huy Hoàng