I. Xây dựng và thực hiện nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ
Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Theo đó, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Do vậy, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện vai trò tiền phong, gương mẫu của mình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", người cán bộ, đảng viên không sợ khó, không sợ khổ mà phải đi tiên phong trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt, phải nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ.
Nêu gương về đạo đức. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng, là sức mạnh và là cái gốc của người cách mạng. Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Người quan niệm, đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: "Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém". Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Đối với người cán bộ, đảng viên đạo đức lại càng quan trọng. Là người đem chính sách của Đảng và Nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, do vậy, ngoài năng lực, người cán bộ, đảng viên phải thực sự là những người có tư cách đạo đức tốt. Người nhắc nhở: "Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý.
Đối với Đảng, tổ chức tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, Đảng phải "là đạo đức, là văn minh". Người thường nhắc lại ý của V.I.Lênin: Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại.
Theo Hồ Chí Minh, những chuẩn mực chung nhất của đạo đức cách mạng Việt Nam gồm những điểm sau:
- Trung với nước, hiếu với dân.
- Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình.
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
- Tinh thần quốc tế trong sáng.
Nêu gương về trách nhiệm thực thi công vụ. Trách nhiệm thực thi công vụ là một khái niệm mang tính chất chính trị, đó là việc cán bộ, công chức tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân. Đầy tớ là công bộc của dân, với nội hàm là vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Họ phải như những người lính vâng lệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ, thay mặt dân để ra quyết định, toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Người thấy được một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên trong thực thi chức trách, nhiệm vụ phải nhận thức về tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc mình làm, mà ý nghĩa lớn lao nhất là phải xác định cái gì lợi cho dân là chân lý, phục vụ nhân dân là chân lý, từ đó phải tận tâm, tận lực làm tròn phần việc được giao. Phải có sự ràng buộc giữa lời nói và hành vi của mình, bảo đảm nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho tốt. Phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nghĩa là người cán bộ phải nghiên cứu, hiểu thấu, thấm nhuần tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng thực hành. Mọi suy nghĩ và hành động của công chức phải đi đúng đường lối quần chúng với sáu điều: "Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân;tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo". Theo Người, cán bộ, đảng viên phải có tinh thần phụ trách trước nhân dân và gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
(Còn nữa)