Học nghề, con đường khởi nghiệp của nhiều thanh niên
Thứ Sáu, 09/10/2020, 06:00
Zalo
Đi ngược lại với tâm lý số đông, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã lựa chọn học nghề để khởi nghiệp. Và những nghề được lựa chọn để theo đuổi bằng đam mê, sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường đã giúp nhiều thế hệ học sinh xây dựng được sự nghiệp riêng vững vàng. Rất nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành nguồn lao động chất lượng cao, giải tỏa "cơn khát" nhân lực của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Học nghề, con đường khởi nghiệp của nhiều thanh niên
Học nghề để khởi nghiệp
Tốt nghiệp THPT, khác với nhiều bè bạn cùng trang lứa, mặc dù có lực học khá, song anh Đỗ Hữu Việt, sinh năm 1983, ở huyện Kim Sơn không thi đại học mà chọn trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình là nơi bắt đầu thực hiện ước mơ. Đến nay, thầy giáo Đỗ Hữu Việt đã có một sự nghiệp vững vàng, nhiều người mơ ước. Trưởng thành từ một học sinh của trường nghề, câu chuyện của thầy giáo, thạc sĩ Đỗ Hữu Việt đã truyền cảm hứng cho các em học sinh đang theo học tại trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình.
"Tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình năm 2005 với thành tích xuất sắc, tôi được nhà trường tạo điều kiện để học hoàn thiện các kỹ năng sư phạm, trở thành một giáo viên dạy môn cơ khí. Vừa làm, vừa học, miệt mài trong suốt nhiều năm liền, tôi cảm thấy yêu cái nghề mà mình theo đuổi hơn bao giờ hết. Tôi muốn truyền lại cho các em học sinh lòng nhiệt huyết, đặc biệt là những kỹ năng nghề tốt nhất, giúp các em có thể viết nên nhiều câu chuyện thành công nữa sau khi tốt nghiệp, ra trường"- thầy giáo Đỗ Hữu Việt chia sẻ.
Bằng kinh nghiệm và kỹ năng nghề điêu luyện, nhiều năm qua, thầy giáo Đỗ Hữu Việt được nhà trường lựa chọn bồi dưỡng cho học sinh tham gia các kỳ thi tay nghề giỏi cấp Bộ, cấp quốc gia đối với nghề cơ khí. Trong hai kỳ tham gia huấn luyện, thầy Việt đã có học sinh đạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi tay nghề cấp Bộ… Không chỉ thành công, tạo được nhiều dấu ấn trong công tác giảng dạy, thầy giáo Đỗ Hữu Việt còn mạnh dạn mở một xưởng hàn riêng, tạo cơ hội thực hành và việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có nhiều em đang theo học khoa Hàn trong trường với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng.
Đối với thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Linh, trường Cao đẳng nghề Cơ điện Xây dựng Việt Xô, việc khởi nghiệp bắt đầu từ nghề… thợ xây. Linh sinh năm 1991, ở xã Yên Nhân (huyện Yên Mô). Lợi thế của Linh khi bước vào học tập ở trường là đã có kiến thức cơ bản về nghề thợ xây.
Ngoài những bài giảng của thầy giáo, Linh tìm tòi những tài liệu về nghề để nâng cao kiến thức. Ngoài giờ học lý thuyết, Linh miệt mài ở xưởng thực hành. "Nhiều lần tôi xây một bức tường đơn giản nhưng xây đi rồi lại phải phá làm lại vì chưa ưng ý. Có những lúc thật nản, cái nghề ai cũng nghĩ không cần học cũng làm được ấy sao cũng có lúc gây khó khăn cho mình. Rồi tôi lại cầm gạch lên xây tiếp..."- Linh nói.
Những miệt mài ấy đã mang lại cho Linh thành công trong học tập. Linh luôn là học sinh xuất sắc của trường. Đặc biệt, trong năm 2012, với thành tích xuất sắc trong kỳ thi tay nghề quốc gia, Linh được lựa chọn làm đại diện của Việt Nam tham gia Hội thi tay nghề ASEAN môn ốp lát tường và sàn. Tại hội thi lần này, Linh đã giành Huy chương vàng. Tiếp đó, Linh nhận được chứng chỉ nghề xuất sắc thế giới tại Cộng hòa liên bang Đức.
Với thành tích xuất sắc trong học tập, Nguyễn Văn Linh được trường Cao đẳng nghề Cơ điện Xây dựng Việt Xô giữ lại làm giáo viên. Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để Linh học lên đại học, hoàn thiện mọi yêu cầu để trở thành giáo viên cơ hữu của trường.
Cần thay đổi nhận thức về học nghề
Ông Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình cho biết: Những tấm gương thành công từ học nghề có rất nhiều. Nhiều cựu học sinh đã có một sự nghiệp của riêng mình, trở thành giám đốc, quản đốc của những phân xưởng lớn. Hoặc nhiều người mở công ty, xưởng riêng cho mình. Những câu chuyện có thực ấy đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh và chính các em học sinh đối với việc học nghề.
Những năm qua, từ sự thay đổi nhận thức, cách nhìn của xã hội đối với việc học nghề, công tác tuyển sinh của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo, gắn với thực hành, nhằm tạo ra đội ngũ lao động vững về kiến thức, giỏi về kỹ năng tay nghề.
Tính riêng trong năm 2019, đã có 1.300 giáo viên, học sinh, sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; trên 300 người học sau khi tốt nghiệp ở trình độ sơ cấp trở lên được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc. Đồng thời, doanh nghiệp trực tiếp tham gia xây dựng 2 giáo trình giảng dạy, tham gia 12 hội đồng thi tốt nghiệp và nghiên cứu khoa học; cung cấp 40 loại tài liệu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Nhiều học sinh chọn học nghề để khởi nghiệp cho mình.
Với những nỗ lực đó, ngày càng có nhiều học viên lựa chọn học nghề để khởi nghiệp cho mình. Trong năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 20.219 người. Đã có 17.638 người tốt nghiệp, trong đó, đa số học viên, nhất là học viên tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng đã tìm được việc làm do nhu cầu lao động có trình độ kỹ thuật ngày càng có xu hướng tăng lên. Mức thu nhập bình quân của người học tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng từ 4-9 triệu đồng/tháng.
Ông Dương Văn Cường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình cho biết: Những năm gần đây, ngoài chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng thị trường lao động, nhà trường cũng luôn đẩy mạnh việc quốc tế hóa trong mọi lĩnh vực, như công nghệ, đào tạo, hợp tác... và mới đây nhà trường đã tổ chức lớp học chất lượng cao theo theo chuẩn của CHLB Đức.
Việc tổ chức các lớp đào tạo đạt chuẩn quốc tế ngay tại quê hương sẽ mở ra cơ hội lớn cho sinh viên và nhà trường trong việc cập nhật công nghệ kỹ thuật hiện đại, được trao đổi, tiếp cận phương pháp dạy học của CHLB Đức, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về nguồn nhân lực như hiện nay.
Khi tổ chức các lớp đào tạo theo chuẩn quốc tế, vào cuối chương trình, sinh viên được đánh giá kết quả đầu ra. Khi đạt yêu cầu, sinh viên được cấp hai bằng: Bằng cao đẳng của Việt Nam và Bằng tốt nghiệp của CHLB Đức, tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức.
Với bằng được cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ được nhiều quốc gia công nhận, có giá trị ở tất cả thị trường lao động. Đi cùng với khả năng ngoại ngữ tốt, sinh viên có cơ hội việc làm rộng mở, tham gia vào thị trường lao động thế giới với thu nhập ở mức cao và điều kiện làm việc tốt.