Báo cáo của Sở Công thương nêu rõ, giá trị xuất khẩu tháng 5 ước đạt 141,1 triệu USD. Mặc dù vẫn giảm 34,8% so với cùng tháng năm trước nhưng đã tăng nhẹ so với tháng 4 (đạt 134,8 triệu USD). Tính chung lại, tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 771,3 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu giảm sút mạnh như: Quần áo các loại 12,9 triệu chiếc, giảm 39,5%; hàng thêu ren 38,5 nghìn chiếc, giảm 57,8%; xi măng, clanke 2.019,1 nghìn tấn, giảm 59,9%; camera và linh kiện điện thoại 56,6 triệu sản phẩm, giảm 21,2%; kính quang học 802,6 nghìn chiếc, giảm 13,5%.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa của Việt Nam nói chung.
Trong đó, Bộ Công thương chú trọng việc khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản, mở đầu bằng Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc, thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai bên. Tiếp đó, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến "Việt Nam - ấn Độ: xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến". Chính vì vậy, các mặt hàng nông sản của tỉnh như: dứa, dưa chuột đóng hộp xuất khẩu trong tháng 5 đã đạt 5,8 nghìn tấn, tăng 114,3% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cói, bèo, bẹ chuối những tháng trước là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do thị trường xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu, Mỹ nơi có dịch bệnh đang bùng phát mạnh, do đó doanh thu của các đơn vị giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, một số đơn hàng đã xuất khẩu nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thanh toán bị chậm lại, một số đơn hàng đã sản xuất nhưng khách hàng chỉ định chưa giao hàng dẫn đến hàng hóa tồn kho khá lớn.... Tuy nhiên, đến tháng 5 đã có dấu hiệu tích cực khi mặt hàng thảm cói xuất khẩu đạt 30,48 nghìn m2, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.
Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp khác có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: giày dép các loại đạt 17 triệu đôi, tăng 40,4%; cần gạt nước 5,1 triệu chiếc, tăng gấp 2,1 lần; đồ chơi trẻ em 3.567 nghìn chiếc, tăng 6,6%; phôi nhôm 6,9 nghìn tấn, tăng 21,8%...
Việc nhập khẩu đã có tiến triển tốt hơn tháng trước, giá trị nhập khẩu trong tháng 5 ước đạt 258,8 triệu USD, giảm 3,1% so với tháng 5/2019 và tăng so với tháng 4 là 73,5 triệu USD. Tổng giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt trên 1.196,8 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Linh kiện điện tử 533,3 triệu USD; linh kiện ô tô đồng bộ các loại 438,8 triệu USD; vải may mặc 25,4 triệu USD; phụ liệu may mặc 44,5 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày dép 72,9 triệu USD. Điều này phản ánh các ngành công nghiệp sản xuất trong nước đã có dấu hiệu phục hồi và đi vào ổn định sản xuất, nhất là các ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh như linh kiện điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ...
Để làm tốt công tác quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn, Sở Công thương đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành thẩm định đánh giá hồ sơ để xét chọn "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2019. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU trên địa bàn tỉnh. Trong tháng, Sở đã tiếp nhận và cấp 318 bộ Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) và trả lời 1 yêu cầu xác minh C/O của hải quan Trung Quốc.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên cho biết thêm: Về kế hoạch dài hơi, để lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, trong đó chủ trì là ngành Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, nhất là mặt hàng tỉnh có lợi thế phát triển: thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm chế biến... Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo tinh thần các hiệp định thương mại tự do FTA.
Cùng với đó, xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025 nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.
Để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu, Sở Công thương đã chỉ đạo phòng chuyên môn rút ngắn tối đa thời gian cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp trong tỉnh, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp có hiệu lực, giúp các doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh xuất khẩu.
Những nỗ lực từ phía các cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.
Nguyễn Thơm