Hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đang là một trong những bước đi quan trọng và đúng đắn trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới của nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, những năm gần đây Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động, chương trình về sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Ninh Bình là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đa dạng ngành nghề, phong phú về sản phẩm. Ngoài sản xuất lúa, gạo, các mặt hàng nông sản, tỉnh còn có nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được khai thác từ tiềm năng du lịch và các sản phẩm truyền thống của các làng nghề mang bản sắc văn hóa của địa phương như: làng nghề sản xuất, chế biến cói mỹ nghệ xuất khẩu, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, làng nghề thêu ren xuất khẩu… Trong những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp khai thác các mặt hàng truyền thống, đặc sản của tỉnh tìm được thị trường cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên để phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định được thương hiệu của sản phẩm, không bị hàng giả, hàng nhái chèn ép thì việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc làm rất cần thiết. Để đồng hành cùng với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động về bảo hộ SHTT. Một trong những chương trình mà tỉnh ta đã và đang triển khai có hiệu quả tích cực là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (viết tắt là Chương trình 68). Sự ra đời của Chương trình 68 là một trong những động lực thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ tạo dựng và khai thác tài sản trí tuệ tại tỉnh Ninh Bình, tạo điều kiện tốt để địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ. Thông qua các dự án được hỗ trợ từ Chương trình 68, doanh nghiệp và các cơ quan, ban, ngành ở địa phương có điều kiện tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp hữu hiệu để phát triển tài sản trí tuệ trong điều kiện thực tiễn. Đồng thời xây dựng, tạo lập và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy hoạt động các làng nghề đặc sản của địa phương. Dự án cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về SHTT, khai thác kết quả, phát triển chương trình "chắp cánh thương hiệu", nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng và phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và các doanh nghiệp của tỉnh trong phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập. Thông qua các chương trình phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, các chuyên mục trên Báo Ninh Bình, dự án đã truyền tải các nội dung chính: Kiến thức chung về SHTT, các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại… Dự án còn thực hiện các chương trình tọa đàm, chương trình điều tra xã hội học đánh giá tác động của dự án với người dân và doanh nghiệp. Kết quả của dự án đã tạo chuyển biến mạnh về nhận thức cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về SHTT. Thông qua việc triển khai và thực hiện dự án đã khẳng định được vai trò quản lý nhà nước của Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình trong việc đưa nội dung lĩnh vực SHTT vào cuộc sống. Cùng với đó, tỉnh ta đã có những chính sách hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp, các hội ngành nghề, các làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu. Năm 2012, trong Chương trình nghiên cứu triển khai của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp thực hiện đề tài cấp tỉnh: "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Gạo Hương Bình và Ngao Kim Sơn". Các sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh tiếp tục đầu tư nghiên cứu xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm thêu ren Văn Lâm-Ninh Hải và Cơm cháy Ninh Bình; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dê núi Ninh Bình, dứa Đồng Giao, cói Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân…
Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tư vấn, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền SHTT và ngày càng nhiều doanh nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ còn tăng cường công tác tập huấn về bảo hộ quyền SHTT trong doanh nghiệp cho đối tượng là các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh, cán bộ quản lý các huyện, thành phố, sở, ngành liên quan. Qua lớp huấn giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nắm vững pháp luật về SHTT; hiểu rõ tầm quan trọng của SHTT đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực khai thác và phát triển tài sản SHTT. Các doanh nghiệp đã nắm bắt được yêu cầu, xu hướng phát triển của SHTT, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chú ý xây dựng nhãn hiệu và quảng bá rộng rãi nhãn hiệu của mình. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của các doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước và là căn cứ khoa học để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đảm bảo đúng chất lượng. Đồng thời, qua công tác tập huấn nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp các kiến thức cần thiết cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ du lịch, từ đó coi trọng việc xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Ninh Bình trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Hồng Giang