Chị Nguyễn Thị ánh Nguyệt, chủ tịch Hội phụ nữ xã Ninh Nhất cho biết: Hội phụ nữ xã có 10 chi hội với 905 hội viên. Trong đó, nhiều chi hội đã thành lập được các câu lạc bộ văn hóa-văn nghệ, thể thao giúp cho các hội viên luyện tập, vui chơi giải trí. Trước kia tại xã Ninh Nhất vốn đã có phong trào luyện tập biểu diễn môn múa dao găm, kiếm song có một thời gian dài phong trào tập luyện môn này có phần trầm lắng. Phải đến thời gian gần đây, do nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe của chị em phụ nữ phong trào mới phục hồi trở lại.
Cũng trên cơ sở các nhóm tập luyện tại các chi hội, các thôn, xóm, câu lạc bộ múa dao găm kiếm của Hội phụ nữ xã đã ra đời, hiện toàn xã có tổng số 45 thành viên. Sau khi thành lập câu lạc bộ múa dao găm, kiếm của phụ nữ xã duy trì hoạt động tập luyện rất đều đặn vào thứ 7 hàng tuần, từ 7h đến 9h. Câu lạc bộ cũng bầu ra ban chủ nhiệm với 3 thành viên để điều hành hoạt động. Các thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ sau khi được bầu ra đã không ngừng liên kết, quy tụ các thành viên và phát triển hoạt động câu lạc bộ ngày càng lớn mạnh. Câu lạc bộ đã tự đóng góp kinh phí trang bị đồng phục tập luyện gồm quần, áo, giày, mũ... Từ chỗ chỉ là CLB tập hợp các thành viên với nhu cầu tập luyện giữ gìn và nâng cao sức khỏe, câu lạc bộ đã trở thành mái nhà chung là nơi sinh hoạt, giao lưu, giúp đỡ nhau về nhiều mặt cả tinh thần cũng như vật chất. Qua quá trình sinh hoạt, tập luyện cũng đã xuất hiện nhiều thành viên tâm huyết, có uy tín với các hội viên như các chị: Nguyễn Thị Việt, Phạm Thị Tâm (thôn Bình Khê), Phạm Thị Liên, Bùi Thị Hòa (thôn ích Duệ)...
Hoạt động của câu lạc bộ múa găm kiếm của phụ nữ xã Ninh Nhất không chỉ giúp các hội viên luyện tập mang lại sức khỏe tốt, ngăn ngừa bệnh tật mà qua thời gian còn có nhiều đóng góp cho phong trào chung của xã. Tại nhiều kỳ đại hội TDTT của xã, CLB đều tham gia tiết mục đồng diễn. Nhận thấy lợi ích thiết thực từ hoạt động của CLB này nên Hội phụ nữ xã cũng tích cực ủng hộ để các hội viên tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ. Cũng theo chị Nguyễn Thị ánh Nguyệt: Do môn thể thao múa dao găm, kiếm vốn xuất phát từ các môn võ truyền thống của phụ nữ trong lịch sử chống giặc và giữ nước nên việc duy trì hình thức sinh hoạt môn thể thao này cũng còn mang ý nghĩa là việc bảo tồn một nét văn hóa cổ truyền. Hướng phát triển của CLB trong thời gian tới sẽ là sẽ chuẩn hóa các bài võ dao găm, múa kiếm truyền thống và tiến tới khi hoạt động du lịch phát triển sẽ đưa đội múa găm, kiếm biểu diễn phục vụ trong vai trò các hình thức sinh hoạt du lịch cộng đồng tại địa phương.
Thiết nghĩ với một CLB mang tính thể thao ra đời và hoạt động trên cơ sở xã hội hóa thì ý tưởng phát triển câu lạc bộ như trên cũng sẽ là một gợi ý đối với các nhà quản lý văn hóa, du lịch. Và trong khi hướng đến một vai trò lớn hơn đối với cộng đồng thì các sinh hoạt thuần túy của câu lạc bộ với những đóng góp như đã có vẫn rất cần được ủng hộ và khuyến khích.
Bài, ảnh: Đức Bá