Đồng chí Vũ Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, để công tác PCLB đạt hiệu quả cao quan trọng nhất là phải kiểm tra, đánh giá các công trình PCLB ngay từ đầu, nắm chắc địa bàn để dự kiến tình huống sát thực tế, sớm đưa ra các biện pháp khắc phục. Qua đó huyện nhận định: Nhìn chung các tuyến đê Trung ương trên địa bàn tương đối đảm bảo. Mặc dù vậy có 3 vị trí xung yếu cần lưu ý là cống Chi Phong trên đê Trường Yên, cống Cam Giá trên đê hữu Đáy và các điểm thẩm lậu qua chân đê dọc theo thùng đấu trên đê Trường Yên đoạn từ K1+300 đến K5+600.
Riêng các tuyến đê địa phương, tuy đã được đầu tư tu bổ nhưng chưa hoàn thiện; nhiều đoạn, nhiều tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ PCLB như đoạn đê sông Hệ, xã Ninh Vân, Ninh Thắng; đê Hữu sông Chanh đoạn xã Ninh Hòa. Một số cống dưới đê địa phương và cống nội đồng đã xuống cấp. Các công trình nhà trạm một số đã hư hỏng, xuống cấp, đặc biệt là trạm bơm Ninh Giang, Bồ Hoằng, Văn Lâm… Hệ thống kênh tiêu bị bồi lắng, ách tắc… không đảm bảo đủ lưu lượng cho máy bơm hoạt động.
Để khắc phục tình trạng trên, cùng với sự đầu tư vốn của Nhà nước, tỉnh, huyện Hoa Lư đã chủ động tiến hành tu bổ củng cố hệ thống đê điều, nạo vét các tuyến kênh, nâng cấp xây mới nhiều trạm bơm… Thường xuyên kiểm tra và tu sửa kịp thời các đường đây tải điện trung, cao thế của ngành Điện quản lý cũng như các hệ thống công trình trạm bơm và đường điện do các đơn vị trực tiếp quản lý, đảm bảo vận hành tốt trước và trong mùa bão lụt. Đối với hệ thống các kênh tiêu, cống dưới đê địa phương, tùy theo chức năng nhiệm vụ được phân công, đội khai thác công trình thủy lợi huyện, các xã, thị trấn, HTX phải tổ chức nạo vét, nghiêm cấm việc đặt đăng đó, vó bè, xây dựng các công trình lấn chiếm gây cản trở dòng chảy.
Hoa Lư đã sớm có phương án PCLB & TKCN, theo đó tất cả các xã, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện phải thành lập ban chỉ huy PCLB & TKCN và có phương án PCLB & TKCN. Tổ chức tốt lực lượng xung kích hộ đê, tuần tra canh gác, diễn tập, bồi dưỡng nghiệp vụ. Nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên đội quản lý đê nhân dân. Để đảm bảo công tác "4 tại chỗ", Ban chỉ huy PCLB &TKCN huyện đã lập kế hoạch chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực và phương tiện giao cụ thể cho từng xã, thị trấn.
Huyện đã chuẩn bị trên 4.000 m3 đất đá, 50 chiếc thuyền, 140 xe ô tô, 10.700 cây tre và hơn 9.000 bao tải. Riêng các hộ gia đình phải tự chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ thiết yếu như dao rựa, mai, cuốc, xẻng, 2 bao tải đất, 2 cọc tre để hộ đê khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, huyện cũng đã hiệp đồng với Ban chỉ huy quân sự tỉnh, xây dựng phương án hợp đồng tác chiến với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn và tổ chức diễn tập ứng cứu phòng, chống lụt bão.
Huyện cũng đã giao cho các ngành: Bưu chính- viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc, Đài truyền thanh huyện thường xuyên thông tin về các diễn biến của mưa, bão, úng để mọi người dân nắm bắt kịp thời, chủ động phòng tránh; Phòng y tế, phòng tài chính, phòng công thương chuẩn bị hàng hóa dự trữ, thuốc chữa bệnh; Chi nhánh điện lực có trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa, tu bổ hệ thống lưới điện, xây dựng phương án sửa chữa, thay thế; khi có sự cố phải nhanh chóng khắc phục, ưu tiên đảm bảo điện phục vụ chống úng. Đội khai thác CTTL chủ động báo cáo với Công ty khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án chống úng cho từng vùng, kiểm tra tu sửa máy móc, thiết bị đảm bảo 100% nhà trạm, máy bơm hoạt động tốt. Ban chỉ huy PCLB & TKCN từ huyện đến cơ sở bố trí trực 24/24 giờ trong suốt mùa mưa lũ để kịp thời xử lý. Huyện yêu cầu các cấp, các ngành phải thực sự coi công tác PCLB là nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động phòng là chính, chống phải tích cực, khẩn trương; giải quyết hậu quả do bão úng gây ra phải nhanh gọn, hiệu quả.
Nguyễn Lựu