Đồng chí Trịnh Thị Phương, Trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y (CN-TY) huyện Hoa Lư cho biết: Xã Ninh Khang có tổng đàn lợn khoảng 400 con với gần 40 hộ nuôi. Ngày 8/3/2019, nhận được thông tin tại hộ ông Nguyễn Xuân Hải (thôn Bạch Cừ) có nuôi 59 con lợn (14 con lợn nái, 33 con lợn thịt, 12 lợn con theo mẹ) thì có 12 con bị ốm, 2 con bị chết. UBND huyện và Trạm CN-TY huyện đã xuống kiểm tra, xem xét; tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm của lợn chết và ốm gửi đi xét nghiệm, đồng thời cho tiêu hủy ngay 2 con lợn chết; tiến hành phun thuốc vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại.
Ngày 9/3, nhận được kết quả xét nghiệm số 563/TY-TH-XN của Chi cục Thú y vùng I cho biết, các mẫu bệnh phẩm của hộ ông Hải dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã thông báo ngay cho hộ chăn nuôi và triển khai các biện pháp cấp bách bao vây và dập dịch.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Duy Quang, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật của Huyện đã họp khẩn cấp triển khai kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 5/3/2019 về hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo và triển khai các biện pháp ứng phó.
Huyện đã tổ chức kiểm đếm, phân loại đàn lợn và tiêu hủy toàn bộ 57 con lợn còn lại theo đúng quy trình, quy định; thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại xã Ninh Khang để bao vây, ngăn chặn ổ dịch và dập dịch; đồng thời ban hành Công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch và ban hành Quyết định số 339/QĐ-UBND về việc công bố dịch tả lợn châu Phi tại 1 hộ gia đình chăn nuôi ở thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang...
Các công việc trên đã hoàn thành xong trước 15h ngày 9/3/2019. Những công việc tiếp theo sẽ là: Tập trung bao vây ổ dịch, khoanh vùng dập dịch nhanh, gọn không để lây lan ra diện rộng; duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật với 24/24h.
Trạm CN-TY huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện hướng dẫn cho xã Ninh Khang, hộ gia đình thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng vùng dịch và khu vực xung quanh nhằm ngăn ngừa không để cho dịch bệnh phát tán, lan rộng; cử cán bộ chuyên môn về cơ sở nắm chắc tình hình từng địa phương, kiểm tra, giám sát chặt từng hộ gia đình chăn nuôi nhằm phát hiện kịp thời dịch bệnh phát sinh và yêu cầu hộ chăn nuôi không giấu dịch, không giết mổ và bán chạy lợn ốm, chết ra ngoài thị trường.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác ngăn ngừa phòng, chống dịch trên đàn lợn. Tổ chức điều tra, thống kê chi tiết tổng đàn lợn trên địa bàn và cụ thể của từng địa phương. UBND huyện sẽ bố trí kinh phí mua bổ sung 22 tấn vôi bột để cấp phát, hỗ trợ cho 11 xã, thị trấn ( bình quân 2 tấn/địa phương) nhằm thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn và xong trước ngày 12/3/2019.
Triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch bệnh thủy sản năm 2019 theo Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 7/1/2019 của UBND huyện: Đàn gia cầm tiêm phòng từ ngày 25/2 đến hết ngày 5/3/2019; đồng loạt tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo từ ngày 10 đến hết ngày 20/3/2019; đàn lợn, trâu bò tiêm phòng từ ngày 22/3 đến hết ngày 30/4/2019.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết: Trên địa bàn huyện hiện đàn trâu, bò có 1.283 con; đàn chó 4.778 con; đàn lợn 7.258 con; đàn gà 84.883 con; đàn vịt 19.928 con. Về đàn lợn, không có hộ chăn nuôi tập trung với quy mô lớn; nhưng các gia trại chăn nuôi có quy mô từ 50 đến 180 con thì có khoảng trên chục cơ sở, nằm rải rác ở các địa phương; số còn lại chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình (từ 2-3 con) nhằm tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, phụ phẩm trong nông nghiệp...
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngay từ tháng 2/2019, UBND huyện và Trạm CN-TY huyện Hoa Lư đã ban hành Công văn số 151/UBND-TY, ngày 22/2/2019 của UBND về việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ xuân hè và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn huyện; Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 25/2/2019 của UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 25/2/2019 của UBND về việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật huyện Hoa Lư; Thông báo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật.
Hướng dẫn số 04/HD-CNTY ngày 25/2/2019 của Trạm CN-TY Hoa Lư về việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổ chức tập huấn về bệnh dịch tả lợn châu Phi cho cán bộ chăn nuôi, thú y huyện; thú y cơ sở và hộ chăn nuôi quy mô lớn với gần 70 người tham gia...
UBND huyện cũng yêu cầu các cán bộ thú y cơ sở, các trưởng thôn, trưởng xóm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đến từng hộ chăn nuôi; nhất là nơi có ổ dịch cũ (lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh...) nhằm sớm phát hiện dịch bệnh, kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để có biện pháp phòng, chống và xử lý kịp thời.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch, khi dịch bùng phát mới báo cáo. Bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực để triển khai công tác chống dịch, khử trùng tiêu độc và xử lý ổ dịch khi mới phát sinh còn ở diện hẹp, số lượng ít, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn để phát hiện kịp thời trường hợp vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch; vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, bị bệnh không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm về địa phương.
Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch, tả lợn châu Phi, lở mồm long móng...
Khi phát hiện có gia súc, gia cầm ốm chết với biểu hiện bất thường phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương (Trưởng thôn, xóm, cán bộ thú y xã và UBND xã, thị trấn) hoặc báo cáo về cơ quan chuyên môn (Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm CN-TY huyện), tuyệt đối không giết thịt, không bán chạy, không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi ra ao, hồ, sông ngòi làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: Đinh Chúc