Thực hiện kế hoạch của Trạm Chăn nuôi-Thú y huyện, xóm Tây thôn Trung Trữ, xã Ninh Giang (Hoa Lư) tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó trong khu vực theo hình thức tiêm tập trung tại nhà văn hóa xóm. Đàn chó trong xóm có khoảng 100 con, chủ yếu được nuôi nhốt trong các hộ gia đình để bảo vệ và trông giữ nhà.
Ghi nhận của chúng tôi, nhân dân trong xóm đã chủ động đưa con vật đến điểm tiêm tập trung. Những hộ gia đình không đưa chó đến điểm tiêm tập trung được, tổ tiêm phòng sẽ bố trí đến tận nhà thực hiện. Trước đó 2-3 ngày, xóm đã tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh cũng như đến từng nhà thông báo cho các hộ gia đình chủ động tiêm phòng bệnh dại cho chó.
Ông Cao Mạnh Chiến, cán bộ thú y xã Ninh Khang cho biết: Ninh Khang tiêm vắc xin H5N1-Re6 cho 1.500 con gia cầm; vắc xin dại cho 500 con chó; vắc xin dịch tả cho 350 con lợn; vắc xin lở mồm, long móng cho 75 con trâu bò.
Với tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, Ninh Khang thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, có sự tham gia của cán bộ thú y xã cùng trưởng thôn, trưởng xóm và công an viên khu vực đến từng hộ gia đình ở các thôn, xóm và đã tiêm đạt 84% kế hoạch. Đàn trâu bò đã tiêm đạt 100%; đàn gia cầm mới đạt 33,3%, đàn lợn đạt gần 30%.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Hoàng Yến, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi-Thú y huyện Hoa Lư cho biết: Kế hoạch tiêm phòng vụ xuân hè năm 2018 của huyện, đàn lợn tiêm các loại vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn với số lượng khoảng 5.000 con; đàn trâu, bò sẽ được tiêm vắc-xin lở mồm, long móng, tụ huyết trùng với số lượng khoảng 725 con; đàn gia cầm sẽ tiêm vắc-xin H5N1- Re6 cho khoảng 25.000 con; tiêm vắc xin dại cho khoảng 5.000 con chó.
Hoa Lư triển khai tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó trước; vì mùa hè đã đến, bệnh dại trên đàn chó có điều kiện phát sinh và phát triển rộng. Đây là loại bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người, nên tất cả các địa phương trong huyện đều đã triển khai tiêm phòng vắc-xin cho đối tượng nuôi này đầu tiên.
Tuy nhiên, vẫn còn những hộ dân ở một số địa phương có ý trốn tránh, không hợp tác... trong việc tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó mà nguyên nhân chủ yếu do ý thức trách nhiệm với công tác tiêm phòng dại chó, mèo của người dân chưa cao; nhiều hộ dân hiện nay vẫn nuôi chó kiểu thả rông, không chuồng nuôi nhốt, không có xích, rọ mõm nên việc bắt giữ để tiêm rất khó khăn; mặt khác, người nuôi phải chi trả 100% tiền tiêm phòng (bao gồm 12.000 đồng/liều vắc xin và 4.500 đồng công tiêm/1 con) nên nhiều hộ không muốn tiêm.
Trong khi đó chưa có bất cứ trường hợp chủ vật nuôi chó, mèo nuôi nào phải bồi thường thiệt hại khi để chó, mèo thả rông cắn người theo Pháp lệnh Thú y, do vậy không đủ sức răn đe và nâng cao ý thức người dân với công tác phòng, chống bệnh dại. Hiện nay, công tác tiêm phòng vụ xuân hè cho đàn vật nuôi vẫn đang được triển khai sâu rộng.
Tính đến ngày 18/5, toàn huyện đã tiêm phòng cho đàn gia cầm 15.650 con, đạt 62,6%. Đã tiêm phòng bệnh dại cho 4.043 con chó, đạt 80,86% kế hoạch. Đàn lợn đã tiêm phòng cho 3.270 con, đạt 65,4% kế hoạch. Riêng đàn trâu bò đã tiêm phòng cho 725 con, đạt 100% kế hoạch.
Đồng chí Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Hoa Lư cũng cho biết: Cùng với công tác tiêm phòng thì công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn huyện cũng được thực hiện nghiêm túc, triệt để.
UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng". Trạm Chăn nuôi - Thú y tăng cường cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêu độc, khử trùng để bảo đảm hiệu quả.
Dưới sự chỉ đạo của huyện và cán bộ thú y, các hộ nông dân đã sử dụng vôi bột, hóa chất thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại, gia trại lớn, nơi công cộng, các tuyến đường giao thông, khu chôn lấp rác thải.
UBND huyện chỉ đạo các xã, HTX thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng ở tất cả các khu chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ; các chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống theo quy trình hướng dẫn của ngành thú y.
Bài, ảnh: Đinh Chúc