Trong quá trình thực hiện 19 tiêu chí về nông thôn mới, quy chế dân chủ được đề cao theo phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền, tích cực hiến đất, hiến tài sản, đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Trước khi thực hiện công trình, dự án có liên quan đến người dân, các xã đều tổ chức họp dân, bàn bạc công khai đi đến thống nhất. UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc công khai thông qua 3 hình thức: Niêm yết tại trụ sở UBND các xã; trên hệ thống truyền thanh các xã và tại các hội nghị họp dân. Các xã đã làm tốt công tác niêm yết công khai các quy hoạch trường học, quy hoạch nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa xã, công khai bản đồ quy hoạch, dự án tại những nơi thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các xã cũng thông báo tới nhân dân về chủ trương, chính sách lớn, nội dung công tác, hoạt động xã hội mà nhân dân quan tâm, các tiêu chí cần phải đạt được của xã mình trong năm. Vì vậy, chủ trương kế hoạch đưa ra đều được sự thống nhất cao của người dân. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", ngoài các nguồn kinh phí do Nhà nước đầu tư, nhân dân tích cực hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sạch, vệ sinh môi trường, điện, xóa nhà tạm bợ cho hộ nghèo, kiên cố hóa trường lớp.
Phát huy tinh thần dân chủ trong quá trình thực hiện tiêu chí về hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền các xã đã công khai, minh bạch, dân chủ trong việc bình xét hộ nghèo. Đây là vấn đề dễ phát sinh tiêu cực. ở một số địa phương, việc bình xét hộ nghèo chưa thực sự công tâm, sát với thực tế. Nhiều gia đình vốn không nghèo nhưng lại được xét là hộ nghèo, được hưởng các quyền lợi, trong khi đó những hộ nghèo, cận nghèo thực sự lại không được xét. Để khắc phục tình trạng này, Đảng ủy, UBND các xã đã công khai các tiêu chí về hộ nghèo, cận nghèo đến đông đảo quần chúng nhân dân, sau đó để nhân dân bình xét công khai, dân chủ, vì vậy không xảy ra trường hợp thắc mắc hay khiếu kiện. Dựa trên kết quả bình xét, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành phân loại, xác định từng hộ nghèo để có giải pháp phù hợp. Đối với trường hợp nghèo do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, địa phương tạo điều kiện được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; trường hợp khó khăn về nhà ở, địa phương vận động nhân dân trong xã đóng góp ủng hộ cùng với nỗ lực của gia đình để xây, sửa nhà; trường hợp hộ nghèo có các cháu đang trong độ tuổi đi học, xã hỗ trợ, động viên các cháu bằng sách vở, quà tặng vào dịp khai giảng và cuối năm học; trường hợp thiếu việc làm, xã giúp đỡ bằng việc giới thiệu việc làm, các đoàn thể hỗ trợ bằng tập huấn các phương thức sản xuất, kinh doanh. Nhờ công khai, dân chủ, minh bạch trong bình xét hộ nghèo, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của các xã năm 2015 giảm còn 2,7%, đóng góp vào thành công chung trong xây dựng nông thôn mới. Hộ nghèo của xã đa số là hộ 1 khẩu, già cả, không nơi nương tựa. Song song với việc tăng cường phát huy dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền cơ sở còn tích cực huy động sự chung tay, góp sức của con em xa quê thành đạt tham gia xây dựng quê hương.
Để tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, thời gian tới huyện tăng cường vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc giám sát các công trình, hạng mục trong xây dựng nông thôn mới, chú trọng công tác lấy ý kiến của người dân đối với tất cả các công trình tại địa phương, nâng cao năng lực của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đồng thời tăng cường công tác giám sát việc thu, chi, quản lý, sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Huyện cũng sẽ quan tâm, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ ngân sách cho các xã này để cùng cả huyện hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới vào năm 2016…
Đào Duy