Tại cánh đồng mẫu lớn của HTX Thắng Thành, xã Trường Yên, chị Đỗ Thị Bích Thảo, xã viên HTX Thắng Thành cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi là một trong những hộ xã viên được tham gia vùng sản xuất lúa chất lượng cao của xã, chúng tôi được tập huấn về KHKT, được hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu. Mấy hôm nay được cán bộ HTX và cán bộ làm công tác BVTV thông báo tình hình xuất hiện sâu bệnh cuối vụ, nhiều hộ dân chúng tôi có diện tích liền kề đều đồng loạt phun trừ sâu đục thân hai chấm, đảm bảo sâu bệnh không lây lan ra diện rộng. Ông Trần Văn Thành, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Vụ mùa năm 2013, HTX Thắng Thành có gần 80 ha diện tích cấy lúa, trong đó có 40 ha của trên 600 hộ dân được quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn cấy giống lúa LT2, theo chính sách của tỉnh, của huyện được hỗ trợ về giống lúa, KHKT, phân bón, thuốc trừ sâu…. Do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua đã làm nhiều diện tích lúa bị táp và khô đầu lá. Sau bão, HTX đã chỉ đạo bà con nông dân sau bão khẩn trương khắc phục bằng cách bón thêm các loại phân bón phù hợp, kích thích lúa sinh trưởng, đẻ nhánh và làm đòng. Hiện nay, lúa đã phát triển tương đối tốt, đang vào giai đoạn đứng cái, làm đòng và bắt đầu trỗ bông. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế đồng ruộng cho thấy xuất hiện sâu đục thân hai chấm lứa 5 đã đến ngưỡng cần phải phun trừ, chúng tôi thông báo và vận động bà con tiến hành phun trừ đồng loạt để đảm bảo phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng, phấn đấu năng suất lúa đạt 56 tạ/ha.
Hiện nay, trên 2 nghìn ha lúa mùa của huyện Hoa Lư đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng, nhiều diện tích trong thời kỳ trỗ bông. Qua điều tra, hiện nay sâu bệnh đã xuất hiện rải rác trên tất cả các trà lúa, giống lúa, nổi lên là đối tượng sâu đục thân 2 chấm lứa 5 đang gây hại nhiều trên diện tích lúa mùa sớm và mùa trung, với tỷ lệ hại phổ biến 2-3 ổ/m2, tỷ lệ hại này cao hơn cùng kỳ năm trước. Xác định đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng lúa gạo nên huyện Hoa Lư chỉ đạo các địa phương hoãn công việc chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân thực hiện phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Bà Ninh Thị Sen, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hoa Lư cho biết: Mặc dù lực lượng mỏng, nhưng những ngày qua, Trạm đã cử cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật liên tục có mặt trên các cánh đồng, kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn bà con nông dân cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Qua việc thường xuyên theo dõi đồng ruộng, với mỗi loại sâu bệnh và tại mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, cán bộ BVTV có những khuyến cáo riêng để việc phun trừ đạt hiệu quả cao nhất.
Kinh nghiệm rút ra qua công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ trong những năm qua cho thấy, yếu tố chủ yếu để việc phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao là nông dân phải tuân thủ đúng và đầy đủ kỹ thuật phòng trừ, chất lượng thuốc BVTV đúng chủng loại và việc phun trừ, phun phòng sâu bệnh cần được thực hiện tập trung, gọn vùng, gọn thửa. ở mật độ sâu bệnh gây hại cao thì tập trung phun kép 2 lần, lần sau cách lần trước 5-7 ngày.
Trước tình hình phát sinh của sâu bệnh trên đồng ruộng, huyện Hoa Lư đã phát động các xã đồng loạt ra quân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Trong 3 ngày đầu, toàn huyện có gần 2 nghìn ha lúa được phun thuốc đặc hiệu. Toàn huyện phấn đấu 100% diện tích xuất hiện sâu bệnh trong diện cần phun trừ được phun thuốc đầy đủ, đúng liều lượng nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, các xã, HTX đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân tập trung cho công tác diệt chuột, vì đây là thời điểm chuột phá hại nhiều, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa, phấn đấu một vụ mùa đạt năng suất cao...
Bài, ảnh: Huy Hoàng