Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, vụ mùa năm 2018, Hoa Lư gieo cấy trên 2.534,2ha lúa với các giống chủ lực là Thiên ưu 8, BC15, nếp... Đến ngày 1/8, toàn huyện đã hoàn thành diện tích kế hoạch đề ra với 1.815,7 ha được thực hiện bằng biện pháp gieo sạ; 718,5 ha cấy; so với lịch thời vụ quy định trước đó, chậm hơn 5 ngày.
Nhiệm vụ trong thời gian tới là: Các xã, HTX và ngành chuyên môn tập trung cao cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo, khuyến cáo nhân dân thực hiện gieo cấy bù những diện tích bị mất trắng; dặm tỉa những chỗ bị khuyết khóm, khuyết dảnh; bón phân theo quy trình, quy định; điều tra phát hiện tình hình phát sinh phát triển của các loại sâu bệnh, dịch hại trên đồng ruộng và có biện pháp phòng, chống hữu hiệu.
Các HTX nông nghiệp làm tốt công tác cung ứng dịch vụ cho các thành viên và nhân dân trong vùng, đảm bảo đủ thuốc, đúng chủng loại và tổ chức phun trừ các đối tượng gây hại theo quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chuyên môn.
UBND huyện cũng yêu cầu điện lực huyện, Chi nhánh Công ty KTCTTL huyện đảm bảo đủ điện, tưới tiêu kịp thời cho lúa sinh trưởng và phát triển.
Đội quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá thuốc hoặc bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Đồng chí Phạm Văn Nhượng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện cho biết: Theo thông báo của UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp thì bệnh lùn sọc đen đang có nguy cơ phát sinh, phát triển mạnh trong vụ mùa 2018, không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh mà ở cả các tỉnh phía Bắc.
Đây là loại bệnh do vi rút gây nên và lây truyền nhanh qua môi giới rầy lưng trắng, rầy nâu; nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng lúa mùa sau này, thậm chí có chỗ còn thất thu hoàn toàn.
UBND huyện Hoa Lư cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (Phòng Nông nghiệp & PTNT; Trạm Trồng trọt & BVTV; Trạm Khuyến nông...) tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật xuống các xã, HTX hướng dẫn các địa phương, nhân dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhận biết kịp thời biểu hiện của loại bệnh nguy hiểm này và cách phòng chống.
Khi đã phát hiện ruộng lúa cấy có bệnh cần nhổ bỏ, vùi cây bị bệnh và cấy dặm bằng cây lúa khỏe; thực hiện bón phân cân đối cho lúa sinh trưởng, phát triển; phun thuốc trừ rầy lưng trắng cho ruộng bị bệnh và những khu vực xung quanh. ở những khu ruộng gieo sạ, cần phun thuốc trừ rầy lưng trắng trên toàn bộ diện tích khi cây lúa đạt 4-5 lá bằng các loại thuốc nội hấp đặc trị trừ rầy, hoàn thành trước ngày 10/8.
Vụ mùa là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, bất lợi: Mưa bão, úng ngập ngay từ đầu vụ và hiện tại đang là nguy cơ dịch bệnh phát sinh gây hại. Do vậy, các địa phương và nhân dân cần phải lách thời tiết, tranh thủ những ngày tạnh nắng từ nay đến 10/8, tổ chức phun trừ rầy nâu, rầy lưng trắng kịp thời.
Bài, ảnh: Đinh Chúc