... Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy và Đề án 15/ĐA-UBND của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010, đồng thời thực hiện chủ trương xóa nhà tranh tre dột nát trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định việc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở là việc làm cần thiết và cần được khẩn trương thực hiện trong năm 2008 và 2009.
Mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp
1. Mục tiêu: Trong 2 năm 2008-2009, tập trung hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát xong cho 1.120 hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Nhiệm vụ và các giải pháp
2.1 Về cách thức triển khai tổ chức thực hiện: Ưu tiên hỗ trợ trước đối với các hộ chính sách có khó khăn về nhà ở, sau đó triển khai đối với các hộ nghèo.
2.2 Về chính sách thu tiền sử dụng đất đối với những hộ chưa có đất ở: Giao Sở Tài chính hướng dẫn theo hướng chưa thu tiền sử dụng đất đối với hộ nghèo, chỉ thu tiền sử dụng đất khi các hộ nghèo đã thoát nghèo.
2.3 Dự kiến kinh phí, quy định mức hỗ trợ và phân bổ ngân sách, các cấp trong tỉnh để thực hiện như sau:
* Dự kiến kinh phí để xây dựng mới một ngôi nhà theo quy cách khoảng 30 triệu đồng/nhà.
* Về mức hỗ trợ:
- Đối với nhà xây dựng mới: Hỗ trợ 25 triệu đồng/nhà.
- Đối với nhà sửa chữa, cải tạo: Hỗ trợ 12,5 triệu đồng/nhà (bằng 50% kinh phí hỗ trợ xây dựng mới).
* Về tỷ lệ hỗ trợ:
- Nhóm 1: Đối với thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp chủ động bố trí nguồn kinh phí của thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp để hỗ trợ các hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn.
- Nhóm 2: Đối với các huyện Yên Mô, Yên Khánh và Hoa Lư:
+ Ngân sách tỉnh:
* Đối với xã nghèo trọng điểm 50%.
* Đối với xã không thuộc diện xã nghèo trọng điểm 40%.
+ Ngân sách huyện và xã:
* Đối với xã nghèo trọng điểm: Huyện 10%, xã 0%.
* Đối với xã không thuộc diện xã nghèo trọng điểm: huyện, xã 20%.
+ Các quỹ của tỉnh 40%.
- Nhóm 3: Đối với các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn:
+ Ngân sách tỉnh: 50%
+ Ngân sách huyện và xã:
Đối với xã nghèo trọng điểm: Huyện 10%, xã 0%.
Đối với xã không thuộc diện xã nghèo trọng điểm: huyện, xã 10%.
+ Các quỹ của tỉnh 40%.
2.4. Các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Các cấp ủy từ tỉnh, huyện, xã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát do đồng chí Chủ tịch HĐND làm trưởng ban, có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung công việc và thời gian thực hiện trong năm 2008 và 2009, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Đề án.
- Thường trực HĐND tỉnh bổ sung nội dung Đề án hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XII, trên cơ sở đó HĐND tỉnh ban hành nghị quyết; đồng thời chủ trì việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và Đề án.
- UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính bố trí đủ nguồn kinh phí, cấp phát kịp thời để đảm bảo thực hiện các nội dung của Đề án.
- Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phát động đợt quyên góp xây dựng Quỹ hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát trong các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh; đồng thời có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, xây dựng kế hoạch phân bổ quỹ theo đúng quy định.
- Bộ CHQS tỉnh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh xây dựng kế hoạch huy động lực lượng vũ trang và lực lượng thanh niên tình nguyện giúp đỡ các hộ khó khăn xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở.
- UBND cấp huyện và cấp xã xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí quỹ đất, cân đối nguồn ngân sách để hỗ trợ các hộ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
- Các cơ quan thông tin tuyên truyền, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tập trung tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết và Đề án việc hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát, kịp thời biểu dương những điển hình, những việc làm tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cổ vũ, động viên phong trào.