Xây nhà xong, tiền hỗ trợ vẫn chưa có Tiếp sau Quyết định số 22 của Chính phủ, tỉnh ta đã ban hành Quyết định số 53 phê duyệt Đề án hỗ trợ Người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Thực hiện Quyết định này, huyện Hoa Lư đã chủ động huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị để thực hiện việc rà soát được đúng đối tượng. Theo ông Phạm Văn Lợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư, theo kết quả rà soát ban đầu, trên địa bàn huyện có 133 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Và đến cuối năm 2014, huyện đã tiến hành các thủ tục giải ngân cho 29 hộ.
Ông Phạm Quang Lợi cho biết thêm, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi bất cập, điển hình như khi rà soát thì chỉ phải hỗ trợ sửa chữa nhưng đến khi dỡ nhà xuống lại xuống cấp nghiêm trọng cần phải làm lại nên địa phương phải linh hoạt giải quyết. Với những trường hợp như vậy, một trong những cách làm của huyện là chủ động trích từ nguồn Quỹ đền ơn, đáp nghĩa để kịp thời hỗ trợ đảm bảo đúng tiến độ công trình. Nhờ đó, đến nay các hộ được hỗ trợ đều được sống trong những căn nhà khang trang, vững chắc. Tuy nhiên, ngoài 29 hộ trên thì đến nay vẫn chưa có thêm hộ nào được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở theo Quyết định 22. Do điều kiện nhà xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão nên nhiều hộ đã phải vay mượn, thậm chí là vay lãi ngân hàng để sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại nhà ở mặc dù chưa được hỗ trợ kinh phí.
Điển hình như hộ gia đình ông Phạm Văn Khương ở thôn Vạn Lê, xã Ninh Vân, năm nay đã ngoài 60 tuổi vẫn đau đáu nỗi lo cả nhà đang sống trong nợ nần. Ông Khương cho biết, năm 2013, gia đình ông được thông báo nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây nhà với số tiền 40 triệu đồng. "Có được ngôi nhà kiên cố là niềm mơ ước của gia đình tôi từ lâu, bởi lẽ căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Ngặt nỗi, kinh tế còn khó khăn nên chưa thể thực hiện được. Khi được thông báo thuộc diện được hỗ trợ xây nhà thì tôi rất phấn khởi, song đợi mãi vẫn chưa có kinh phí hỗ trợ trong khi ngôi nhà xuống cấp nặng, không thể ở thêm được nữa"- ông Khương chia sẻ. Vậy là vì ngôi nhà đã quá xuống cấp nên gia đình ông Khương vẫn quyết định đi vay tiền để làm nhà mới với dự định khi nào nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ trả nợ sau. Đến nay, ngôi nhà trong mơ của ông Khương đã thành sự thực, chỉ có điều số tiền hỗ trợ thì vẫn chưa thấy đâu.
Ông Hoàng Hải Anh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết, theo kết quả rà soát và thẩm định kỹ thì toàn tỉnh có trên 2.000 hộ thuộc đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở thuộc diện được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 22. Tuy nhiên, từ đợt bố trí vốn đầu tiên và cũng là duy nhất cho tới thời điểm này (kể cả vốn đối ứng của tỉnh) vào cuối năm 2014 mới chỉ hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 426 hộ. Số đối tượng còn lại là rất lớn, trong đó đa số là đối tượng thuộc thành phần già yếu, neo đơn và không có sức lao động, hoàn cảnh rất khó khăn.
Cũng theo ông Hoàng Hải Anh, một số hộ chính sách khó khăn về nhà ở đã chủ động đi vay tiền để làm nhà trong khi chờ đợi tiền hỗ trợ là không đúng với tinh thần của Quyết định 22. Tuy nhiên, trên điều kiện thực tế, từ khi ban hành Quyết định 22 đến nay cũng đã hơn 4 năm, tình trạng nhà ở xuống cấp khá nặng nề, buộc nhiều hộ phải mạnh dạn tìm phương án thay thế, cụ thể là vay tiền để làm trước. Vấn đề là khoản tiền vay đó thì cũng chưa biết bao giờ có thể trả bù. Sở Xây dựng cũng đã gửi báo cáo, kiến nghị đến Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành nhằm sớm đề xuất với Chính phủ giải ngân kinh phí kịp thời. Đến nay hầu hết các công văn trả lời đều nêu lên thực trạng nguồn ngân sách eo hẹp, chính sách hỗ trợ cần được triển khai lâu dài.
Tiếp tục huy động công tác xã hội hóa
Theo ông Phạm Quốc Doanh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhằm chia sẻ khó khăn với ngân sách Nhà nước mà vẫn kịp thời hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn về nhà ở cần sửa chữa, xây mới cấp bách, các cấp, các ngành trong tỉnh đã phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", trong đó huy động sự tham gia của mọi lực lượng xã hội.
Theo đó, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội. Nhiều địa phương đã tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tham gia thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 145/145 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công, nhất là trong việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở.
Ngoài việc thực hiện chính sách đãi ngộ theo quy định của Đảng và Nhà nước, tỉnh ta còn huy động nhiều nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo, xoa dịu nỗi đau mất mát cho những gia đình có công với cách mạng. Trong đó, điển hình là việc vận động xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác. Tính riêng năm 2016, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đạt trên 400 triệu đồng, từ nguồn quỹ này, tỉnh ta đã trích kinh phí hỗ trợ 55 đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn gặp khó khăn về nhà ở xây dựng, sửa chữa nhà ở. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hỗ trợ về ngày công, vật liệu và tiền cho một số hộ người có công có hoàn cảnh khó khăn để xây, sửa chữa nhà ở.
Cùng chung tay với tỉnh trong công tác Đền ơn, đáp nghĩa, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thường xuyên tham gia thực hiện tốt công tác Đền ơn, đáp nghĩa thông qua các việc làm, hành động cụ thể, thiết thực như: Doanh nghiệp Xuân Trường duy trì thường xuyên hoạt động thăm hỏi, tặng quà thương, bệnh binh, tích cực đóng góp quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của địa phương; Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đã hỗ trợ hàng tỷ đồng đóng góp quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa", quỹ "Vì người nghèo"; Tập đoàn Vingroup với tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp đã trao tặng hàng nghìn con bê, gần 300 ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 50 tỷ đồng cho các hộ nghèo và hộ chính sách, người có công; Chi nhánh Ngân hàng Liên Việt trao tặng hàng nghìn chiếc ti vi màu và hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, hộ chính sách…
Đào Hằng