Chủ trương này nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của đông đảo người dân nông thôn, từ đó nhiều người chưa tham gia BHYT đã tự nguyện đăng ký tham gia.
Được địa phương xác nhận là hộ làm nông nghiệp có mức sống trung bình và được hỗ trợ 50% mức mua thẻ BHYT, ngay từ đầu năm 2016, bà Phạm Thị Huệ, thôn Văn Hà 2, xã Gia Phương (Gia Viễn) đã quyết định tham gia BHYT. Bà không ngờ, đến nay, tấm thẻ BHYT lại thực sự là "cứu cánh" cho bản thân bà và gia đình như vậy. Giữa năm 2016, bà Huệ phát hiện bệnh u máu, u phổi, phải điều trị tại Viện huyết học truyền máu Trung ương.
Bà Huệ cho biết, từ ngày điều trị đến nay, chi phí khám, chữa bệnh lên đến gần 300 triệu đồng, nhưng nhờ có thẻ BHYT, được thanh toán 80% chi phí với gần 100 triệu đồng nên gia đình còn phải trả gần 200 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền thuốc điều trị ngoài danh mục và chi phí đi lại, ăn ở... "Với gia đình làm nông nghiệp còn nhiều khó khăn như gia đình tôi thì đây là sự hỗ trợ đáng kể, tiếp thêm sức mạnh để gia đình nỗ lực điều trị bệnh. Vì vậy, tôi khuyên mọi người hãy tham gia BHYT để phòng thân" - ông Lê Văn Tiền, chồng bà Huệ chia sẻ thêm.
Mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình cũng chưa mấy dư dả, nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh cho đối tượng hộ nông, lâm, ngư nghiệp, hộ có mức sống trung bình, gia đình ông Đinh Văn Đông, xã Đồng Phong (Nho Quan) đã quyết định tham gia BHYT cho cả gia đình.
Theo ông Đông, việc tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích, nhất là trong những lúc ốm đau hoặc không may mắc bệnh hiểm nghèo thì tấm thẻ BHYT chính là "phao cứu sinh" để những gia đình còn khó khăn như ông vơi bớt gánh nặng. Sự hỗ trợ đó thể hiện tính nhân văn cao cả, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của tỉnh đối với những hộ gia đình sinh sống ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, giúp họ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế một cách tốt nhất. Đây cũng là một chủ trương đúng, chính sách hợp lòng dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Là một trong những đại lý thu BHYT, BHXH có số thẻ tham gia khá đông của xã Gia Hòa, ông Đào Ngọc Lung đã có nhiều năm gắn bó với nhiệm vụ của một nhân viên đại lý thu. Ông Lung cho biết, để không ngừng tăng số thẻ, nhất là thẻ BHYT, nhân viên đại lý thu như ông phải lăn lộn, tâm huyết, am hiểu chính sách BHYT, BHXH của Đảng và Nhà nước để đi xuống từng hộ dân tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân về các chính sách này, từ đó người dân mới thấy được ý nghĩa thiết thực mà tích cực tham gia BHYT.
Nhờ sự tích cực, chủ động và kiên trì vận động, từ tháng 1/2017 đến nay, ông Lung đã phát triển được trên 1 nghìn người tham gia BHYT, trong đó có trên 90% là hộ gia đình có mức sống trung bình, góp phần nâng tỷ lệ người tham gia BHYT của xã Gia Hòa lên trên 80%.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc BHXH huyện Gia Viễn cho biết: Với trách nhiệm của mình, ngay khi có Quyết định số 1369, ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện tới từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, BHXH huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế, LĐLĐ huyện, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến với người dân, người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, chú trọng hình thức đối thoại trực tiếp với nhân dân và người lao động. Kết quả, đến 30/6/2017, số đối tượng tham gia BHYT là hộ gia đình có mức sống trung bình là 18.462 người, đạt trên 41%, tăng trên 17 nghìn người, gấp gần 10 lần so với đầu năm 2016.
Được biết, để thu hút các hộ nông, lâm, ngư nghiệp, hộ có mức sống trung bình tham gia BHYT, ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên định kỳ, ngành còn ký kết với gần 1.000 đại lý BHYT, với hơn 1.200 nhân viên ở địa bàn các phường, xã, thị trấn trên địa bàn để tuyên truyền sâu sát, cụ thể đến với người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tiếp cận nhanh hơn với chính sách BHYT. Cùng với đó, BHXH thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân để người dân thấy rõ được lợi ích và ý nghĩa của việc tham gia BHYT.
Mặt khác, BHXH tỉnh cũng chỉ đạo BHXH các cấp tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHYT ở các xã, phường, thị trấn, nhất là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHYT, thuyết phục người dân tham gia BHYT. Từ kiến thức được tập huấn, các cán bộ làm đại lý BHYT có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, đồng thời giải thích, phân tích lợi ích của tấm thẻ BHYT đối với người dân để họ hiểu và tham gia, nhất là khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ 30% và tỉnh hỗ trợ 20% cho các đối tượng này.
Kết quả, năm 2015, toàn tỉnh mới có hơn 800 người tham gia BHYT hộ nông, lâm, ngư nghiệp, hộ có mức sống trung bình, đến hết tháng 7/2017 tăng lên gần 88 nghìn người tham gia, đạt tỷ lệ khoảng 41%, gấp hàng chục lần so với năm 2015 và hơn 2 lần so với năm 2016.
Tuy nhiên thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 30 nghìn người thuộc diện hộ nông, lâm, ngư nghiệp, hộ có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT. Thực trạng này tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bởi bệnh tật thì không ai lường trước, nhất là khi giá dịch vụ y tế ngày một tăng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do điều kiện kinh tế của các hộ nông, lâm, ngư nghiệp, hộ có mức sống trung bình còn thấp, nên chưa tích lũy được nhiều.
Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền còn có những hạn chế, hình thức tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa chọn đối tượng đích để tuyên truyền, nên chưa chuyển tải hết những thông tin, cũng như các quy định và quyền lợi được hưởng, ý nghĩa nhân văn của việc khi tham gia BHYT.
Theo ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 1167, ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020 là có 90% dân số tham gia BHYT, trong đó tăng tỷ lệ đối với số hộ nông, lâm, ngư nghiệp và hộ có mức sống trung bình tham gia BHYT, BHXH tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn đưa thông tin về BHYT nói chung và BHYT hộ nông, lâm, ngư nghiệp, hộ có mức sống trung bình nói riêng đến gần với người dân hơn.
Đồng thời phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân, UBND xã, phường, thị trấn mở các lớp tuyên truyền, nói chuyện về chuyên đề với các nhóm đối tượng này, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng nội dung của Luật BHYT sửa đổi bổ sung, về vấn đề giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ. Bên cạnh đó tiếp tục quan tâm mở rộng và đào tạo mạng lưới đại lý BHYT có kỹ năng, hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt phải có nhiệt huyết và đến tận thôn, xóm, tổ dân phố, hướng dẫn cho người dân tham gia BHYT theo đối tượng này.
Thêm vào đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các đối tượng tham gia, lập hồ sơ tham gia, giảm thời gian nhận thẻ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo quyền lợi của nhân dân khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Nâng cao chất lượng phục vụ để người dân tin tưởng, hài lòng và tăng sức hấp dẫn của chính sách BHYT…
Mỹ Hạnh