Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ, những năm qua, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình luôn gắn liền với hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ.
Đến nay nhiều sáng kiến, đề tài khoa học triển khai tại Công ty đã được đánh giá cao về khả năng ứng dụng, nhân rộng, tính làm lợi cho doanh nghiệp và luôn đạt giải cao tại các cuộc thi, hội thi về khoa học trong tỉnh và trên toàn quốc như: Giàn không gian, cẩu, thiết bị phụ kiện thay thế cho các nhà máy xi măng, nhà máy hóa chất....
Bà Trần Thị Thu Hạnh, Phó giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã xây dựng Trung tâm Công nghệ cao để nghiên cứu khoa học, đồng thời có những ưu đãi thỏa đáng nhằm thu hút những kỹ sư giỏi về công tác tại Công ty.
Đến nay, Công ty đã từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, giúp các đơn vị thiết kế và các cơ sở chế tạo cơ khí áp dụng công nghệ tự động hóa, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với chất lượng đảm bảo, giá thành rẻ hơn sản phẩm ngoại nhập.
Điều đáng nói là các công trình khoa học do Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình thiết kế sử dụng nguyên vật liệu trong nước, có tỷ lệ nội địa hóa đến 95%, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí và các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh phát huy tính sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghiệp, nâng cao vị thế của ngành công nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Riêng những đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích như: Tiết kiệm chi phí do giảm giá trị đầu tư; chủ động trong hoạt động sản xuất và kinh doanh do có chế độ bảo hành nhanh...
Để khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tạo lập, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa như: Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, quy định chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017- 2020; Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020...
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức, triển khai tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 12 kiểu dáng công nghiệp, 38 nhãn hiệu thông thường và phát triển nhãn hiệu. Bao gồm: Xây dựng hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu và thiết kế kênh thông tin cho 7 tổ chức.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017- 2020. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp được các cấp, ngành liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, kịp thời phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt là giới thiệu công nghệ tiên tiến, phát minh sáng chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn quốc gia. Thường xuyên tuyên truyền và phổ biến trên các phương tiện truyền thông về các hoạt động Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng các quy trình, thủ tục hành chính công khai theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp KH&CN. Hoàn thiện 100% cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Cung cấp thông tin về công nghệ, công nghệ mới, hiện đại trên website của Sở và theo yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp.
Thúc đẩy ứng dụng, nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp không chỉ là trách nhiệm của Sở KH&CN mà là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp. Do vậy trong những năm qua Sở KH&CN đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp KH&CN, thành lập Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp thông qua hệ thống Đài truyền thanh các cấp, qua Website ở địa phương, qua các buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, qua gửi văn bản, qua các hội nghị phù hợp.
Sở cũng đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Công thương Ninh Bình tổ chức tập huấn đăng ký và khai thác nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cung cấp kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nắm vững pháp luật về sở hữu trí tuệ; hiểu rõ tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực khai thác, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Ninh Bình trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Nguyễn Thơm