Người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo… khi đi khám, chữa bệnh luôn gặp nhiều khó khăn bởi các chi phí liên quan đến việc khám, điều trị. Mặc dù các đối tượng như hộ nghèo đã được hỗ trợ 100% phí mua thẻ bảo hiểm y tế, nhưng với các chi phí khác như: tiền ăn, tiền tàu xe, vận chuyển người bệnh lên tuyến trên… vẫn luôn là "bài toán khó" đối với nhiều gia đình người bệnh, chưa kể, họ còn là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài. Thấu hiểu hoàn cảnh của những đối tượng người bệnh này, từ đầu năm 2014 UBND tỉnh đã có Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 20-1-2014 về việc hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo.
Tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Yên Mô, khu vực ngồi chờ luôn đông nghịt người dân đến khám, chữa bệnh. Được biết, những năm qua Bệnh viện luôn chú trọng đổi mới công tác khám, chữa bệnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong huyện. Quan sát khu vực khám bệnh, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những nội quy, quy định của Bệnh viện, khá nhiều người dân còn quan tâm đến văn bản về việc hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 01 của UBND tỉnh.
Bác Lê Hữu Xế (xã Yên Hưng) chia sẻ: Đọc các nội dung của Quyết định này tôi thấy tỉnh ta rất quan tâm đến việc khám, chữa bệnh của hộ nghèo, hộ chính sách bởi người dân nông thôn như chúng tôi, để đến được bệnh viện huyện điều trị bệnh tật có người chẳng có lấy một đồng trong túi. Mặc dù trong tay có tấm thẻ bảo hiểm y tế để được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh, nhưng còn tiền ăn, tiền đi lại… biết trông chờ vào đâu… Dù chỉ là hỗ trợ một phần chi phí nhưng đó là sự hỗ trợ ý nghĩa cho những trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo thường xuyên phải đi viện.
Trao đổi với bác sỹ Lê Xuân Mạnh (Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Yên Mô) được biết thêm: Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp đón trên 300 lượt người bệnh, ngày cao điểm có thể lên tới 400- 500 lượt. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong huyện, Khoa đã triển khai 4 phòng khám liên hoàn, tăng cường thêm các bác sỹ tại các khoa khác về thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, Bệnh viện cũng triển khai đồng thời 8 phòng khám thuộc các chuyên khoa hoạt động liên tục, thường xuyên nhằm giải quyết hết số người bệnh đến đăng ký khám bệnh trong ngày.
Trong hoạt động khám bệnh, cùng với việc chẩn đoán, tư vấn, hướng dẫn người bệnh, các cán bộ y tế cùng quan tâm tuyên truyền về các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh, trong đó có Quyết định 01 của UBND tỉnh để người dân nắm bắt được. Cũng theo các bác sỹ thực hiện nhiệm vụ tại các phòng khám, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi khám xong, chuyển sang làm các thủ tục để nhập viện điều trị, mới thành thật là "không có tiền" để tạm nộp viện phí. Hỏi chuyện cặn kẽ, có người cho biết cứ nghĩ đơn giản có tấm thẻ bảo hiểm y tế cầm theo là giải quyết được mọi chuyện khi đi viện… Có người do hoàn cảnh khó khăn thực sự, không có nổi vài chục nghìn đồng đem theo… Do đó, trong trường hợp kể trên, các cán bộ y tế phải giải thích cụ thể, cặn kẽ các quy định của Nhà nước về khám, chữa bệnh, hướng dẫn người dân quy trình, thủ tục theo quy định… Tuy nhiên, nhiều cán bộ y tế khá "tâm tư" khi gặp các trường hợp người bệnh kể trên vì không biết phải giúp họ như thế nào. Quyết định 01 của UBND tỉnh đã giúp giải quyết những băn khoăn đó.
Từ ngày 20-1-2014, Quyết định số 01/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về việc hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo được ban hành, được các cơ quan liên quan có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện, tập trung tuyên truyền để mọi người dân, nhất là những người thuộc các đối tượng trong quy định được biết. Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế công lập niêm yết Quyết định, thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách đối tượng, thẩm định, tổng hợp, gửi về Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng…
Theo quy định của Quyết định số 01, đối tượng được hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh phải là người bệnh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập từ tuyến huyện trở lên và thuộc một trong các trường hợp: Người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn; Người thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và người đang được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; Người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh.
Nội dung hỗ trợ cho các đối tượng kể trên được quy định cụ thể đối với từng đối tượng người bệnh, trong đó người bệnh được hỗ trợ tiền ăn trong quá trình điều trị tại Bệnh viện, được hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà, khi đi chuyển viện, được hỗ trợ 50% trong phần 5% chi phí khám, chữa bệnh mà người bệnh phải đồng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các quy định của pháp luật có liên quan đối với người phải đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên…
Với việc ban hành quyết định hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực sự quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của các hộ nghèo, hộ chính sách, người mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị y tế, từ khi Quyết định 01 có hiệu lực đến nay, nhiều người dân vẫn chưa biết rõ về các nội dung của Quyết định. Chỉ khi đến các cơ sở y tế công lập khám, chữa bệnh, họ mới được biết và tìm đọc về Quyết định này. Do đó, nhiều người dù thuộc đối tượng nhưng chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về thủ tục, giấy tờ khi đến viện…
Để Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 20-1-2014 của UBND tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, để mọi người dân được biết, được đảm bảo quyền lợi khi khám, chữa bệnh, cùng với hoạt động của ngành Y tế, các địa phương cần quan tâm tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Quyết định, thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình các đối tượng được hưởng hỗ trợ để giúp người bệnh hoàn thiện đầy đủ giấy tờ mỗi khi đi khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, để ngày càng có thêm nhiều người nghèo được quan tâm, hỗ trợ khi khám, chữa bệnh, các địa phương cần huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức đóng góp kinh phí xây dựng Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh, quan tâm giám sát để việc thực hiện chính sách đảm bảo hiệu quả, chính xác, đúng đối tượng.
Bùi Diệu