Ở tỉnh ta, hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính, đề ra nhiệm vụ xác định chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đối với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan có liên quan cung cấp tài liệu kiểm chứng, xây dựng dự thảo Báo cáo của UBND tỉnh về tự đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, báo cáo Bộ Nội vụ để thẩm định, công bố theo quy định.
Tỉnh cũng đã hình thành Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính với 8 lĩnh vực, 92 tiêu chí thành phần đối với cấp sở; 8 lĩnh vực và 103 tiêu chí thành phần đối với cấp huyện; 8 lĩnh vực và 65 tiêu chí thành phần đối với cấp xã. Hàng năm, Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tự đánh giá, thành lập Tổ công tác liên ngành để thực hiện việc thẩm định, xác định, trình UBND tỉnh công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; UBND cấp huyện tổ chức xác định, công bố chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp xã trên địa bàn theo phân cấp.
Để phù hợp với tiêu chí đánh giá của Bộ Nội vụ và tình hình thực tiễn, tỉnh thường xuyên rà soát và đã 3 lần sửa đổi, bổ sung, làm cho bộ chỉ số ngày càng cụ thể, xác thực và hoàn thiện theo hướng tăng số lượng các tiêu chí điều tra xã hội học, bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá tác động của cải cách hành chính đối với thể chế, với tổ chức bộ máy, năng lực, tinh thần của đội ngũ cán bộ, công chức, hiện đại hóa hành chính; đặc biệt có thêm các tiêu chí gắn cải cách hành chính với sự phát triển kinh tế - xã hội, với sự hài lòng của người dân đối với cơ quan Nhà nước được đưa vào nhằm đánh giá hiệu quả thực chất mà cải cách hành chính đem lại...
Sau 7 năm thực hiện (2012-2019), thứ hạng chỉ số cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình hàng năm có những những bước tiến đáng kể. Nếu như năm 2014, tỉnh chỉ xếp ở hạng 40/63 tỉnh, thành phố thì đến năm 2019 xếp hạng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. ở cấp sở, cấp huyện, cấp xã, chỉ số cải cách hành chính trung bình hàng năm của các cơ quan, đơn vị có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2019, chỉ số trung bình của các sở, ban, ngành đạt 88,17% (tăng 13,62% so với năm đầu tiên thực hiện); chỉ số trung bình của UBND các huyện, thành phố đạt 85,85% (tăng 10,37% so với năm đầu tiên thực hiện). Mặc dù bộ tiêu chí đánh giá chỉ số ngày càng khó hơn, thang điểm chấm ngày càng chặt chẽ hơn, tuy nhiên, kết quả chỉ số cải cách hành chính qua các năm cho thấy sự nỗ lực quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính và việc thực hiện 6 nội dung của cải cách hành chính đều tương đối toàn diện và đạt kết quả cao. Nhiều đơn vị đã có cách làm mới, sáng tạo được áp dụng trên thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực như các Sở: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải.
Đối với chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của người dân quy mô cấp quốc gia do Bộ Nội vụ công bố, chỉ số hài lòng người dân của tỉnh 3 năm gần đây đều đạt từ trên 84,6% đến trên 96,6%, vượt chỉ tiêu 80% theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; trong đó có chỉ số thành phần được đánh giá cao như kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công. Đối với chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính quy mô cấp tỉnh do tỉnh công bố, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trung bình của 18 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện có sự cải thiện đáng kể qua các năm và được người dân, tổ chức đánh giá cao. Năm 2019, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trung bình đạt 88,8% (tăng 0,41% so với năm 2018 và tăng 2,63% so với năm 2017); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đối với các sở, ban, ngành trung bình đạt 89,1% (tăng 0,66% so với năm 2018, tăng 5,18% so với năm 2017); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đối với cấp huyện năm 2019 đạt 88,5% (cao hơn 0,16% so với năm 2018, 0,08% so với năm 2017), vượt yêu cầu của Chính phủ.
Thông qua việc xác định chỉ số cải cách hành chính, phần lớn các công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã nhận thức được ý nghĩa, vai trò của công tác cải cách hành chính, có cái nhìn đầy đủ hơn về nhiệm vụ cải cách hành chính phải thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhìn nhận, đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu để có kế hoạch, biện pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, đồng thời coi trọng bố trí nguồn lực phục vụ công tác cải cách hành chính. Sau công bố chỉ số, các cơ quan, đơn vị đã có kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từng cá nhân để tổ chức thực hiện. Do đó, kết quả thực hiện cải cách hành chính của tỉnh ngày càng được nâng lên.
Với việc công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về đổi mới tác phong, thái độ làm việc được nâng lên. Tăng cường trách nhiệm trong rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, qua đó rút ngắn thời gian, giảm phiền hà, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Điển hình là các cơ quan như: Sở Công Thương năm 2019 đề xuất đơn giản hóa 12 thủ tục; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất giảm 4 thủ tục; Sở Xây dựng đề xuất giảm 4 thủ tục; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cung cấp dịch vụ "4 trong 1" về đăng ký doanh nghiệp...
Cũng nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong 5 năm gần đây luôn có sự bứt phá, nằm trong nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước, vượt mục tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra. Đặc biệt năm 2019, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2018, 32 bậc so với năm 2014. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt trên 86%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra.
Bài, ảnh: Vân Giang