Phóng viên (PV): Đồng chí có thể đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác cho vay phục vụ công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm của Chính sách xã hội (NHCSXH) Ninh Bình 5 năm qua?
Đồng chí Lê Hữu Báu( Đ/c LHB): Với phương châm hoạt động vì người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Qua 5 năm hoạt động, NHCSXH Ninh Bình đã chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh như: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên hợp đồng ủy thác kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Tính đến 31/12/2007, tổng dư nợ của ngân hàng đạt 451 tỷ 448 triệu đồng với gần 83 nghìn hộ được vay vốn. Từ 3 chương trình cho vay, đến nay ngân hàng đã có 6 tín dụng ưu đãi gồm: giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, học sinh - sinh viên, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Trong đó, dư nợ của hai chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm chiếm 61,9%, góp phần giải quyết việc làm cho trên 91 nghìn lao động và trên 25 nghìn hộ đã thoát nghèo. Vốn vay được giải ngân là hộ nghèo và các gia đình chính sách, người sử dụng vốn vay đúng mục đích có hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, góp phần cùng các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo do Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
PV: Đồng chí cho biết nguyên nhân tạo ra sự thành công đó?
Đ/c LHB: 5 năm qua NHCSXH từ tỉnh đến huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và ban đại diện HĐQT- NHCSXH các cấp trong việc triển khai các chương trình cho vay. Hầu hết nguồn vốn được giải ngân đều được ủy thác và lồng ghép vào các chương trình, dự án của các cấp hội, đoàn thể nên rất phù hợp với nhu cầu của từng thành viên tham gia. Đồng thời, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập ở từng thôn, xóm được ban XĐGN xã, phường, thị trấn trực tiếp kiểm tra, quản lý thông qua các tổ trưởng nên tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích được hạn chế đến mức thấp nhất.
Đến nay, vốn NHCSXH đã đến được 100% xã trên địa bàn tỉnh. Mỗi khu vực xã cách trung tâm huyện lỵ 3 km đều được NHCSXH hình thành điểm giao dịch, qua đó đôn đốc tình hình sử dụng vốn cũng như việc thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ của NHCSXH giúp cho người nghèo và lao động thiếu việc làm dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng và nhiều dịch vụ xã hội khác. Qua đó có thể khẳng định rằng, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng NHCSXH Ninh Bình đã tham gia hầu hết các chương trình phát triển kinh tế lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế Ninh Bình.
Phát triển làng nghề từ nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh. Ảnh: Ngọc Tân
PV: Để thực hiện tốt Nghị quyết 10 của BCH Đảng bộ tỉnh và Đề án số 15 của UNBD tỉnh về công tác giảm nghèo đến năm 2010, nhiệm vụ của NHCSXH trong thời gian tới được đặt ra là gì?
Đ/c LHB: Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 còn 8-9%, thời gian tới NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam, kết hợp với nguồn vốn của Ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong đó, tập trung ưu tiên vốn cho vay hộ nghèo ở 23 xã trọng điểm nghèo của tỉnh. Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cấp hội, đoàn thể với NHCSXH để cho vay đúng đối tượng, kiểm tra và hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích đảm bảo có hiệu quả về kinh tế và xã hội. Tiếp tục củng cố kiện toàn các tổ Tiết kiệm và vay vốn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ giao dịch lưu động tại các điểm giao dịch xã phường. Đồng thời kết hợp với chính quyền địa phương tìm các giải pháp xóa nghèo bền vững thông qua đầu tư nguồn vốn cho các mô hình kinh tế có hiệu quả, gắn XĐGN với thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương để người nghèo có cơ hội tìm được việc làm, tăng thu nhập. | 5 năm qua, từ nguồn vốn ưu của NHCSXH tỉnh cùng với các ngành, các cấp trong tỉnh đã giúp 25.474 hộ thoát khỏi nghèo đói, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 10,38% năm 2002 xuống dưới 7% năm 2005 (theo tiêu chí năm 2000), giảm từ 18,02% theo tiêu chí giai đoạn 2006-2010 xuống còn 11,38% năm 2007. Theo đề án giảm nghèo đến năm 2010 của Ninh Bình, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến 2010 còn 8-9%, giảm dần sự chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng trong tỉnh, phấn đấu không còn xã nào có tỷ lệ hộ nghèo vượt quá 15% và không có huyện nào có tỷ lệ hộ nghèo vượt quá 12%. |
Thực hiện tốt các chương trình cho vay học sinh - sinh viên, xuất khẩu lao động, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn góp phần XĐGN, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đẩy mạnh công tác cho vay vốn, ngân hàng cũng sẽ tăng cường phối hợp với các ban ngành, hội, đoàn thể tiếp tục mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, giúp người dân sử dụng đồng vốn vay đạt hiệu quả cao nhất.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Quốc Khang (Thực hiện)