Tháng 12/2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập trên cơ sở nhất thể hóa 5 đơn vị thuộc hệ thống dự phòng tuyến tỉnh, gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe.
Thạc sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiệu quả của việc nhất thể hóa 5 Trung tâm thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy các đầu mối đã được thu gọn nên hoạt động hiệu quả hơn. Trước đây có 5 trụ sở, hiện nay thu gọn còn 2 trụ sở; thu gọn từ 29 khoa, phòng xuống còn 15 khoa, phòng; giảm số lượng các cán bộ trong phòng tài chính kế toán, văn thư, lái xe; tạo điều kiện cho Trung tâm chủ động hơn trong hoạt động chuyên môn, giảm việc phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, có sự lãnh đạo thống nhất, đồng bộ.
Đối với tuyến huyện, từ năm 2017, Sở Y tế đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất 6/8 Trung tâm Y tế với Bệnh viện Đa khoa huyện thành Trung tâm Y tế hai chức năng; riêng hai huyện Nho Quan và Kim Sơn vẫn duy trì mô hình Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa. Đồng chí Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn được sáp nhập từ Trung tâm Y tế với Bệnh viện Đa khoa huyện từ năm 2017, trở thành Trung tâm Y tế hai chức năng: dự phòng và khám, chữa bệnh.
Đến giữa năm 2019, sáp nhập Trung tâm Dân số huyện thành Phòng chức năng tại Trung tâm. Sau khi sáp nhập, đã giảm số lượng các phòng ban từ 22 khoa, phòng xuống còn 18 khoa, phòng; rút gọn về đội ngũ lãnh đạo của hai đơn vị. Về chuyên môn, đã tận dụng được lợi thế các y, bác sĩ hai đơn vị gộp thành 1 đơn vị, thuận lợi trong quá trình hoạt động, chủ động trong sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho các y, bác sĩ. Bên cạnh đó, khi số lượng cán bộ chuyên môn đủ, Trung tâm có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ.
Hiện nay, Trung tâm đã cử 10 bác sĩ đi học tập trung các chuyên khoa cấp I tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Bình; mời các Giáo sư, Tiến sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh về Trung tâm chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu, tạo điều kiện cho người dân địa phương được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất. Đồng thời, với sự sáp nhập các đơn vị, Trung tâm có thể huy động bác sĩ về khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các Trạm y tế xã chưa có bác sĩ, mỗi tuần 1-2 buổi (huyện mới có 12/21 Trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ). Khi sáp nhập, Trung tâm cũng tận dụng được cơ sở vật chất của 2 đơn vị, số lượng các trang thiết bị tăng lên, tỷ lệ khám, chữa bệnh trong 2 năm 2018, 2019 tại Trung tâm tăng. Số lượt điều trị nội trú trong năm tăng từ 5.000 lượt lên 6.000-6.500 lượt/năm; Trung tâm thực hiện được những kỹ thuật khó trước đây chưa làm được.
Thực hiện Kế hoạch số 79 ngày 31/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/2/2018 của Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Sở Y tế xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo toàn ngành về thực hiện việc tinh giản bộ máy tổ chức y tế các cấp. Các nội dung đều được cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch, bảo đảm giải quyết tổng thể các vấn đề về sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ, giải quyết dôi dư và tinh giản biên chế. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, tỉnh liên quan đến tổ chức bộ máy và xu hướng đổi mới cơ chế hoạt động của ngành Y tế, để mọi người hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông qua đó tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của các đơn vị trong ngành Y tế. Công tác tuyển dụng, sử dụng và thực hiện chế độ tập sự đối với công chức, viên chức được thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước, phân cấp của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Việc sắp xếp, kiện toàn về tổ chức bộ máy của ngành Y tế bước đầu đạt được một số kết quả trong tinh giản biên chế, thực hiện chuyển đổi biên chế sang cơ chế tự chủ hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với những đơn vị có nguồn thu sự nghiệp lớn, ổn định, góp phần làm giảm gánh nặng trực tiếp cho ngân sách nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hàng năm; thủ tục cử công chức, viên chức đi đào tạo nhanh, gọn, đúng thẩm quyền, đúng quy trình; thanh toán kinh phí đào tạo đúng quy định, kịp thời. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động thực hiện theo phân cấp, đúng quy trình. Chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và lao động được thực hiện kịp thời, đúng quy trình.
Từ năm 2016-2019, Sở Y tế đã tinh gọn bộ máy từ 32 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở xuống còn 23 đơn vị trực thuộc Sở; sáp nhập 8/8 Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thành phố vào hoạt động thành phòng chuyên môn tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Đến hết năm 2019, toàn ngành cắt giảm biên chế và biên chế chuyển đổi sang cơ chế tự chủ nhóm II trên 950 biên chế.
Toàn ngành hiện có 3.956 công chức, viên chức và lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, trong đó có 3 tiến sĩ, 41 chuyên khoa II, 3 bác sĩ nội trú, 157 thạc sĩ, 170 chuyên khoa I, 1.446 cán bộ trình độ đại học; tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học đạt 46%. Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy ngành Y tế tỉnh đã từng bước xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tiến Minh