Với đặc thù sản xuất xi măng không thể tránh khỏi khí bụi, ồn, chất thải phát sinh ở các công đoạn: Lò nung, nghiền than, nghiền xi măng, đóng bao... làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 trong sản xuất nói chung, trong đó có hoạt động của hệ thống các thiết bị xử lý bụi là bộ phận không tách rời.
Đồng chí Phạm Ngọc Trường, Phó Giám đốc Công ty Xi măng Tam Điệp cho biết: Tất cả lượng khí có bụi phát thải trong sản xuất đều được xử lý bằng các lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi, nhờ đó làm giảm đáng kể lượng khí bụi phát thải trong môi trường. Hiện nay, Công ty Xi măng Tam Điệp sử dụng 3 lọc bụi tĩnh điện, trong đó 2 lọc bụi 341EP01 và 441EP01 được sử dụng cho hệ thống lò nung, còn 1 lọc bụi 541EP01 sử dụng cho máy nghiền xi măng.
Công ty là một trong số ít các công ty sản xuất xi măng đã xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ thống lọc bụi tĩnh điện, được công nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 1401-2004. Qua các đợt kiểm tra đánh giá của các cơ quan chức năng về vấn đề xử lý môi trường của Công ty, đã cho kết quả khả quan: Chỉ tiêu nồng độ khí thải sau xử lý tại điểm phát thải ống khói lò nung và các vị trí phát thải bụi khác đều thấp hơn nhiều tiêu chuẩn cho phép; kết quả đo, phân tích 8 điểm xung quanh nhà máy gồm các chỉ tiêu như: NO2 CO, VOC, SO2, độ ồn, nhiệt độ và bụi lơ lửng hầu hết đều thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép. Theo đánh giá của Tiến sỹ Lê Nguyên Minh, Trưởng bộ môn Năng lượng & Môi trường (Viện KH & KT môi trường): Đây là một trong những hệ thống xử lý khí bụi gây ô nhiễm môi trường hữu hiệu nhất hiện nay trong các nhà máy sản xuất xi măng trong cả nước. Không những cho hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường mà nó còn đem lại hiệu quả về mặt kinh tế.
Về hiệu quả kinh tế, đồng chí Phạm Ngọc Trường cho biết thêm: Chỉ tính riêng hệ thống lọc bụi lò khi dùng thiết bị lọc tĩnh điện đã thu hồi bình quân được khoảng 19,4 tấn bột liệu/giờ, tương ứng với số tiền bột liệu thu hồi được là hơn 2 triệu đồng (đơn giá sản xuất một tấn bột liệu là 116.867 đồng/tấn). Giá trị thu được cho một ngày đóng lọc bụi điện đạt trên 64 triệu đồng/ngày.
Để bảo vệ môi trường, Công ty còn chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp như: Phát động cán bộ, CNVC trong toàn Công ty vệ sinh các phần bụi phát sinh, hạn chế tối đa những phát sinh do nhập, xuất, vận chuyển vật tư, trồng thêm cây xanh, đồng thời hàng năm đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo mặt bằng nhà máy, kho bãi chứa nguyên, vật liệu và duy tu, bảo dưỡng lắp đặt mới các thiết bị lọc bụi... nhằm làm môi trường trong sạch hơn. Có thể nói, Công ty Xi măng Tam Điệp đã sử dụng một cách hiệu quả hệ thống lọc bụi tĩnh điện, làm tốt công tác xử lý môi trường, góp phần đảm bảo sức khỏe, cuộc sống của công nhân và của người dân xung quanh.
Bài, ảnh: Đức Lam