Nhìn những cánh đồng rộng lớn của xã Khánh Hồng được phủ xanh bởi cây đậu tương hay các luống bí đang lên xanh, ít ai biết, vài năm trước nơi đây chỉ là những ruộng cấy lúa kém hiệu quả. Chủ trương tích tụ ruộng đất và liên kết trong sản xuất đã và đang là hướng đi mới, đầy triển vọng của xã Khánh Hồng trong sản xuất nông nghiệp. Bước đầu thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị đã mang lại hiệu quả cao. Người nông dân khi cho doanh nghiệp thuê đất, ngoài số tiền thuê đất hàng năm họ còn được doanh nghiệp thuê vào làm việc, thực hiện canh tác ngay trên mảnh ruộng mình cho thuê. Tiền công lao động được tính khá cao với 140 nghìn đồng/ngày.
Đối với nông dân thì đây là những khoản thu nhập khá cao mà trước đây, nếu chỉ trồng mỗi năm 2 vụ lúa khó có thể có được. Bà Đinh Thị Xuyên, xã Khánh Hồng cho biết: Nhà ít người, con cái đi học nên không có lao động để làm nông nghiệp vì vậy gia đình cho thuê đất. Ngoài ra mỗi tháng tôi làm khoảng 20 công cho doanh nghiệp, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Từ mô hình tích tụ ruộng đất đã giúp bà con thay đổi phương thức, tập quán canh tác từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, tiếp cận với tiến bộ khoa học kĩ thuật, những giống cây trồng mới, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do thời tiết, thiên tai gây ra.
Bà Ngô Thị Cúc, xã Khánh Hồng nói: Đây là vụ đầu tiên tôi đưa cây đậu tương vào trồng, chúng tôi cũng tham gia trồng, năng suất cao, hạt mẩy. Chúng tôi mong công ty chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc rau màu tốt hơn, đồng thời tăng lương để chúng tôi yên tâm làm việc.
Ông Đỗ Quang An, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng cho biết: Hiện nay, Khánh Hồng đã tích tụ được 30 ha đất nông nghiệp, cho doanh nghiệp thuê để sản xuất lúa giống và các loại rau, màu xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao. Thực tế cho thấy tại những mô hình này đã tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp. Đây là cơ sở để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Bên cạnh đó, xã có hướng vận động người dân cùng tham gia liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trồng các loại cây màu, nhất là cây dưa các loại. Cần phải xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" giúp tạo thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm, như vậy mới giúp cho bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Vũ Văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết: Đối với doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề quan tâm nhất là xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy.
Công ty chúng tôi áp dụng hai phương thức để xây dựng vùng nguyên liệu, đó là thuê đất của người dân và giao lại cho chính người dân nuôi trồng, quản lý theo quy trình, yêu cầu kỹ thuật của công ty; liên kết đầu tư bằng hình thức cung ứng cây giống, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Tôi cho rằng, dù theo cách nào, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Hay nói cách khác, chính doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn, tạo nên vùng sản xuất chuyên canh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa tại các địa phương...
Ngoài Khánh Hồng, hiện nay ở nhiều địa phương khác trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, qua đó tăng cường mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp và thu nhập cho người nông dân.
Điều này khẳng định việc tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu. Chính vì vậy, để việc liên kết tích tụ đất đai giữa nhà nông - chính quyền cấp xã - doanh nghiệp diễn ra thuận lợi thì vai trò của địa phương cấp xã rất quan trọng, đây chính là cầu nối tạo nên sự tin tưởng cho các bên còn lại.
Nguyễn Thơm