Với phương pháp giảng dạy dễ hiểu, gắn kết lý thuyết với thực hành, kết hợp thăm quan thực tế, đặc biệt đội ngũ giảng viên chính là nông dân, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, các nghệ nhân những người nắm vững kiến thức, kỹ năng nhất, nên lớp học sinh vật cảnh của Trung tâm luôn thu hút nhiều học viên tham gia. Đa phần các học viên sau khi được đào tạo đã tự mở nghề kinh doanh cây cảnh, đá cảnh tại gia đình hoặc tham gia chăm sóc cây cảnh, dựng non bộ theo nhu cầu của khách hàng.
Tại xã Yên Sơn, những năm gần đây phong trào làm sinh vật cảnh phát triển rất mạnh. Năm 2010, Trung tâm dạy nghề thị xã phối hợp với Hội Nông dân xã mở lớp đào tạo nghề sinh vật cảnh cho gần 100 học viên. Đến nay nhiều học viên đã trở thành nghệ nhân lành nghề, nhiều người đã có vườn cảnh có giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Anh Đặng Hoài Nam cho biết: Tôi làm cây cảnh được vài năm rồi nhưng kiến thức chưa nhiều, chủ yếu là học từ anh em, bạn bè, nhờ tham gia lớp này tôi đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn, người mua đánh giá cao, bán được giá. Giống như anh Nam, bác Trần Văn Đức cũng là người trưởng thành từ lớp học sinh vật cảnh của Trung tâm, hiện nay vườn cảnh nhà bác Đức có trên 200 cây lớn nhỏ, trị giá hàng trăm triệu đồng. Bác chia sẻ: Tham gia lớp học, tôi được đào tạo về cây cảnh cổ truyền thống, nghệ thuật bonsai, học cách làm một cây cảnh nguyên sơ thành hình dạng theo ý đồ, từ đó tôi tìm mua các cây phôi về uốn tỉa.
Phường Nam Sơn, một vùng đá cảnh nổi tiếng của thị xã, ở đây có rất nhiều người chơi đá nhưng phần lớn là tự phát, kiến thức chưa nhiều, lại chơi ở dạng nguyên sinh nên giá trị không cao. Ông Nguyễn Văn Tố, Chủ nhiệm CLB đá cảnh Nam Sơn cho biết: Các kiến thức cơ bản về kết cấu, màu sắc, hình thể của đá, cách tạo thế đứng và dựng đế, đặt tên cho tác phẩm mà lớp học của Trung tâm mang lại có ý nghĩa rất lớn, giúp người chơi đá chúng tôi nâng cao giá trị tác phẩm.
Trao đổi với ông Trương Thái Bảo, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thị xã, được biết: Thực hiện đề án giải quyết việc làm của thị xã, thời gian qua Trung tâm đã tăng cường điều tra, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó mở các lớp đào tạo thiết thực với học viên. Nghề sinh vật cảnh tuy là nghề của người nông dân nhưng lại mang tính nghệ thuật tao nhã, nếu cần cù chịu khó cộng với một chút năng khiếu thì thu nhập mang lại không phải là nhỏ nên được rất nhiều người quan tâm. Từ năm 2010 trở lại đây, Trung tâm đã mở được 6 lớp đào tạo về sinh vật cảnh, chế tác đá cảnh cho trên 400 học viên. Kết quả sau đào tạo rất khả quan, nhiều học viên đã vươn lên làm giàu bằng nghề. Thời gian tới, Trung tâm sẽ mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm đá cảnh, mục đích tạo điều kiện cho các học viên thực tập, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm sau khi làm nghề.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu