Để phong trào thi đua yêu nước thực sự có sức lan tỏa, thu hút đông đảo các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia, hàng năm, ngay từ những ngày đầu năm UBND tỉnh đã phát động các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thông qua các văn bản chỉ đạo và nội dung phát động thi đua các cơ quan, đơn vị, địa phương và các Khối thi đua đã triển khai ký kết giao ước thi đua, xây dựng kế hoạch thực hiện bám sát nhiệm vụ chính trị, qua đó đưa phong trào thi đua và công tác khen thưởng của các cơ quan đơn vị nói riêng và của tỉnh nói chung đi vào nền nếp, mang lại nhiều kết quả quan trọng.
Nổi bật là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và các cấp, ngành, các doanh nghiệp tích cực tham gia, góp phần xây dựng nhiều miền quê trong tỉnh trở thành "miền quê đáng sống". Với phương châm "xây dựng nông thôn mới để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho người dân", chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh triển khai lồng ghép với nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, qua đó huy động được các nguồn lực đầu tư hoàn thành các tiêu chí, giảm nợ xây dựng cơ bản. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 163.182 tấn xi măng, làm được 10.903 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 1.257,4 km. Tính đến hết năm 2017, Ninh Bình có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 80 xã, bằng 67,2% tổng số xã về đích nông thôn mới.
Năm 2017, tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117 về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đã có nhiều hoạt động hướng về người nghèo, xã nghèo như: Vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo và an sinh xã hội" tỉnh. Kết quả, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ đạt trên 46 tỷ đồng vào quỹ, từ nguồn quỹ, nhiều người nghèo sẽ được hỗ trợ giống, vốn, sửa chữa, xây mới nhà ở để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh còn quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20 nghìn lao động, vượt 3,1% so với kế hoạch năm. Hoạt động tạo vốn, giúp người nghèo đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh được quan tâm. Năm 2017, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân 2,1 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4% so với năm 2016) giúp 96,2 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Trong nhiều năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ trẻ em, nhất là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2017, tỉnh đã phối hợp với các bệnh viện Trung ương tổ chức phẫu thuật cho 17 trẻ em nghèo bị mắc bệnh tim bẩm sinh với tổng kinh phí hỗ trợ gần 570 triệu đồng, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xe đạp, học phí... qua đó giúp các em thực hiện ước mơ tới trường. Với nhiều hoạt động thiết thực, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 4,71%.
Cùng với phát động phong trào thi đua, công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định đây là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi đua, khen thưởng. Bên cạnh những điển hình tiên tiến đã có, tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình nhằm thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến để xây dựng các điển hình tiên tiến, nhất là đối với danh hiệu "Anh hùng Lao động", "Chiến sỹ thi đua toàn quốc" và Huân chương Độc lập các hạng, nhằm thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến của từng cơ quan, đơn vị và của tỉnh. Tiêu biểu trong số đó là: Mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGap của ông Tống Viết Lư, xã Mai Sơn (huyện Yên Mô) với thu nhập trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 -7 lao động với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng; mô hình tổng hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nuôi cá trắm đen thương phẩm, kết hợp với nuôi vịt và nuôi lợn rừng của anh Vũ Đình Hai, xã Gia Hòa (Gia Viễn) với thu nhập trên 200 triệu đồng, giải quyết công việc thường xuyên cho 3 - 4 lao động với mức lương từ 2 - 3,5 triệu đồng/tháng; Công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ cói, bèo, mây, tre, bẹ chuối của ông Phạm Đăng Khuyến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) với tổng doanh thu thường xuyên đạt từ 28 đến 32 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 80 lao động tập trung với mức lương từ 3,2 - 5 triệu đồng/tháng...
Bên cạnh đẩy mạnh phong trào thi đua, công tác khen thưởng có nhiều đổi mới. Điều đáng nói nhiều cơ quan, đơn vị đã tập trung lựa chọn và suy tôn những tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất và công tác ở cơ sở. Vì vậy đã động viên những người lao động trực tiếp hăng hái thi đua, tích cực giành nhiều thành tích trong học tập, công tác, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đinh Ngọc