Thêm cơ hội thu hút vốn
Công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung đổi mới. Do đó, tỉnh đã chủ động tham dự các chương trình xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp do Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức thương mại quốc tế tại Việt Nam tổ chức nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, nông nghiệp công nghệ cao…Thông qua công tác xúc tiến, Ninh Bình đã thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án của các tập đoàn đa quốc gia từ các nước đã ký FTA vào đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tích cực vận động, thu hút và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Trong năm 2020, Ninh Bình đã thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 55,65 triệu USD, thực hiện công tác quản lý và theo dõi triển khai đối với 04 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 45,614 triệu USD.
Các dự án cơ bản đều đảm bảo thực hiện theo đúng mục tiêu, tiến độ, nội dung kế hoạch được phê duyệt, tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước và yêu cầu của nhà tài trợ. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào sản xuất góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 84.914 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 105% kế hoạch năm.
Cùng với thu hút đầu tư tỉnh đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn khu vực kinh tế tư nhân về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII).
Mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và địa phương, hoạt động đăng ký doanh nghiệp có sự khởi sắc với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng. Năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập mới 749 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, với tổng số vốn đăng ký đạt 4.163,9 tỷ đồng; chấp thuận giải thể 101 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, trong đó có 171 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại; đăng ký thay đổi cho 669 lượt doanh nghiệp.
Phát huy đa dạng các nguồn lực
Trong nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Ninh Bình đã không ngừng thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cả về cải cách thủ tục hành chính, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển xuất khẩu, kế hoạch thương mại điện tử, hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký; thực hiện tốt việc cung cấp thông tin về tình hình thị trường, việc áp dụng các rào cản thuế và phi thuế quan trong thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tra cứu thông tin về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi và chủ động ứng phó với rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu.
Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh như linh kiện điện tử, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo... đã được xuất khẩu sang thị trường trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập, tỉnh cũng đã tập trung hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong năm 2020, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 05 kiểu dáng công nghiệp, 74 nhãn hiệu và xây dựng hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu, thiết kế kênh thông tin quảng bá thương hiệu cho 04 tổ chức; thực hiện nghiệm thu 03 dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Đào phai Tam Điệp, Chè Trại Quang Sỏi, Nem chua Yên Mạc đảm bảo đạt yêu cầu theo quy định.
Đến nay tỉnh Ninh Bình đã nộp 174 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, có 54 đơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Các sản phẩm sau khi được bảo hộ đã khẳng định được thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình.
Ngoài ra, Ninh Bình còn thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, cung ứng lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.350 lượt người, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 65%, đã giải quyết việc làm cho 20.761 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 867 người.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm, có 397 lượt doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng tại Sàn với 37.609 lượt chỉ tiêu tuyển dụng; xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường cung - cầu lao động nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động...
Có thể thấy, những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã phát huy hiệu quả tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Ninh Bình gia tăng trong những năm gần đây. Điều này cũng đã khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc phấn đấu đến năm 2025 Ninh Bình trở thành tỉnh trung bình khá và năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm