So với cùng kỳ năm 2014, giảm vụ, giảm 2 người chết giảm 4 người bị thương; trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông, đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết ất Mùi và lễ hội xuân 2015. Có được kế quả trên là do dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh và các cấp, các ngành đã phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về ATGT, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, nhất là quy định về tải trọng xe trong hoạt động vận tải. Tổ chức 50 đợt tuyên truyền lưu động kết hợp với kiểm tra tình hình công tác bảo đảm TTATGT bằng xe ô tô gắn loa trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 10, Quốc lộ 12B, Quốc lộ 12B kéo dài, Quốc lộ 38B, đường ĐT477... Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng viết các tin, bài tuyên truyền TTATGT với chủ đề "An toàn giao thông - Vì bình yên cuộc sống", "Kiểm soát tải trọng xe", "Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình", "Hành trình không rượu bia", "Đã uống rượu, bia - Không lái xe", "Tính mạng con người là trên hết"... Sở Giao thông - Vận tải tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải về các văn bản quản lý vận tải đường bộ mới ban hành. Đẩy mạnh tuyên truyền ATGT tại các bến xe khách, tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đội ngũ lái xe, người lái phương tiện thủy nội địa và nhân viên phục vụ trên các phương tiện chở khách về ý thức chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với truyền hình Công an nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh Ninh Bình, Báo Ninh Bình xây dựng phóng sự, tin, bài phản ánh về công tác đảm bảo ATGT, chống ùn tắc giao thông; duy trì chuyên mục ATGT và hướng dẫn biển báo hiệu giao thông đường bộ. Công tác tuyên truyền còn được thực hiện tốt ở các trường học trong ngành giáo dục và các doanh nghiệp.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, Công an tỉnh và các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, thị xã huy động tối đa các lực lượng thường xuyên ứng trực thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến giao thông thuộc địa bàn tỉnh.
Trên đường bộ, đã phát hiện lập biên bản 10.535 trường hợp (1.169 trường hợp xe khách, 1.817 trường hợp xe tải, 578 trường hợp xe con, 6.612 trường hợp xe mô tô, 208 trường hợp xe đạp điện, 151 phương tiện khác), phạt tiền 8.704.820.000 đồng. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 708 trường hợp, tạm giữ 2.123 xe (108 xe ô tô, 1.830 xe mô tô, 185 xe đạp điện). Xử lý 2.721 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy. Trong đợt cao điểm cưỡng chế vi phạm nồng độ cồn theo chỉ đạo của Bộ Công an và Ban ATGT tỉnh, lực lượng CSGT đã kiểm tra 2.535 trường hợp, lập biên bản 83 trường hợp vi phạm, tạm giữ 83 phương tiện, phạt tiền 267,8 triệu đồng.
Trên đường thủy, đã kiểm tra các bến đò ngang, đò dọc, tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, phát hiện, lập biên bản 136 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt thu nộp tại Kho bạc Nhà nước 17.960.000 đồng. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã tiến hành kiểm tra 4.113 lượt xe, xử lý 180 trường hợp xe vi phạm, tước giấy phép lái xe 124 trường hợp, phạt tiền 740,6 triệu đồng. Thanh tra giao thông đã tiến hành xử phạt 189 trường hợp, phạt tiền 612,3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 61 trường hợp
Công tác quản lý phương tiện và người lái được coi trọng. Công an tỉnh chỉ đạo duy trì thực hiện công tác đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ theo quy định, đã đăng ký mới 472 xe ôtô, 6.555 xe môtô, số xe hiện đang quản lý là 20.198 ô tô và 366.617 mô tô. Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 bến xe, 95 tuyến vận tải khách cố định với 12 doanh nghiệp và 230 phương tiện; 5 tuyến xe búyt nội tỉnh với 33 phương tiện; 11 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với 594 phương tiện và hơn 100 hộ kinh doanh cá thể hoạt động vận tải khách theo hợp đồng. Hầu hết các phương tiện vận tải khách của tỉnh chấp hành tốt các quy định về vận tải hiện hành, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện vận tải đảm bảo các yêu cầu nhiệm vụ theo quy định. Thực hiện kiểm định các tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường phương tiện cơ giới đường bộ theo quy định cho 6.499 lượt phương tiện, trong đó đã cấp giấy chứng nhận kiểm định là 3.348 phương tiện. Ban Đăng kiểm thủy thực hiện giám sát kiểm tra kỹ thuật cấp phép lưu hành 4 phương tiện thủy nội địa.
Về công tác quản lý giao thông, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục chỉ các đơn vị thực hiện các dự án xây dựng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, trong đó có một số công trình trọng điểm như tuyến đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1; tuyến Quốc lộ 1 đường tránh qua thành phố Ninh Bình; Công trình cầu Trường Yên, công trình cầu Điền Hộ...
Với các tuyến đường đang khai thác, Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Ban quản lý dự án vốn sự nghiệp kinh tế, Đoạn quản lý giao thông số 1 và Đoạn quản lý giao thông số 2 tăng cường công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa hư hỏng trên hệ thống đường bộ được giao quản lý, đặc biệt là các tuyến đường có nhu cầu đi lại lớn; phát hiện kịp thời những hư hỏng của cầu đường để tiến hành tu bổ, sửa chữa kịp thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Điều chỉnh, bổ sung đầy đủ biển báo hiệu, sơn vạch tín hiệu theo quy định. Phát cây, cắt cỏ đảm bảo tầm nhìn; có phương án ứng trực hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ xảy ra ách tắc khi có yêu cầu trên các tuyến đường...
Trần Mạnh Dũng