Trường Mầm non Mai Sơn là một trường thuộc xã miền núi, khó khăn của huyện Yên Mô. Năm học 2020-2021, Trường có 14 nhóm, lớp/338 học sinh. Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm 2016, đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ II vào năm 2018. Thực hiện kế hoạch của ngành, năm học này, Trường tiếp tục triển khai chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm". Theo đại diện Ban giám hiệu nhà trường, giải pháp quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực và có tính quyết định đến thành công của chuyên đề, chính là công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực trong và ngoài nhà trường. Khi thực hiện chuyên đề đã làm thay đổi diện mạo của nhà trường, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ. Tạo những điều kiện, cơ hội, tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Môi trường trong lớp học được thiết kế không gian đảm bảo ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Đồ dùng đồ chơi sắp xếp khoa học, có ký hiệu cụ thể giúp trẻ dễ lấy, dễ cất, dễ sử dụng. Nguyên học liệu phong phú, đa dạng theo nội dung hoạt động, tái sử dụng các sản phẩm của trẻ hiệu quả trong việc xây dựng môi trường học tập. Môi trường ngoài trời được quy hoạch hợp lý, các góc chơi đều được trải cỏ nhân tạo, có đồ chơi đặc trưng của từng góc, tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể đảm bảo an toàn.
Trong 4 năm, nhà trường đều dẫn đầu phong trào thi đua và được nhận cờ, bằng khen của tỉnh, của Bộ. Đồng thời, giải pháp "Huy động nguồn lực trong và ngoài nhà trường để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ" tại Trường Mầm non Mai Sơn đã đạt giải 3 tại Hội thi Khoa học sáng tạo, kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ 9.
Đồng chí Lê Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", Sở GD&ĐT đã sớm xây dựng kế hoạch, hằng năm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó chỉ đạo việc thực hiện chuyên đề, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non triển khai các giải pháp thực hiện chuyên đề theo giai đoạn và từng năm học cụ thể, đồng bộ, linh hoạt.
Trong 5 năm qua, việc triển khai áp dụng các giải pháp trong xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị trên địa bàn. Đặc biệt, trong năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT đã tổ chức thành công Cuộc thi "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non". Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có từ 50 trẻ trở lên thực hiện chuyên đề; có 41,8% cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng mô hình điểm chuyên đề cấp tỉnh, cấp huyện. Toàn tỉnh đã huy động được gần 700 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi. Diện mạo các trường mầm non được thay đổi, cơ sở vật chất được đầu tư, cải thiện theo hướng khai thác, tận dụng tối đa không gian sẵn có cho trẻ hoạt động; bổ sung đồ dùng, đồ chơi tự tạo, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Tính đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 96,07% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 84,8% phòng học kiên cố, 66,5% nhóm/lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, 90,4% sân chơi có 5 loại thiết bị, đồ chơi trở lên...
Thực hiện chuyên đề, các hoạt động giáo dục được tổ chức hướng đến các cá nhân trẻ, khơi gợi, thúc đẩy hứng thú, ham hiểu biết, thích tìm tòi khám phá ở trẻ. Giáo viên thường xuyên đưa ra các phương pháp dạy học, hoạt động ở các góc theo hướng mở, tăng cường trải nghiệm, gần gũi trẻ, giao tiếp nhiều với trẻ để tìm hiểu về đặc điểm và những hạn chế của trẻ trong mọi hoạt động, từ đó giúp trẻ tiến bộ hơn. Việc đánh giá sự phát triển của trẻ được nhận thức và thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non. Đa số cơ sở giáo dục mầm non đã phối hợp tốt với gia đình, xã hội trong việc tham gia lao động cải tạo môi trường giáo dục, ủng hộ nguyên vật liệu, ngày công lao động, tham gia làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ; tham gia vào các hoạt động tập thể, lễ hội, cuộc thi, hội thi tại trường mầm non (các buổi thăm quan, dã ngoại, các hoạt động trải nghiệm nhân dịp Tết Trung thu, Nô-en, Tết Nguyên đán, ngày hội thể dục thể thao...); tham gia hoạt động nhân đạo như ủng hộ áo ấm tình thương và các hoạt động tài trợ khác trong nhà trường...
Đồng chí Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Lê Thị Lan cho biết thêm: Trong giai đoạn tới, để nâng cao hiệu quả chuyên đề, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành học mầm non. Tập trung nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên thông qua việc triển khai các phương pháp chăm sóc và giáo dục phù hợp. Nhân rộng các điển hình tiên tiến để lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội. Tăng cường triển khai các mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tạo sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong tham gia xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, trường học an toàn và thân thiện.
Bài, ảnh: Hồng Vân