Để từng bước nâng cao đời sống cho người dân, những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hộ dân vay vốn để đầu tư chuyển đổi những vùng ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm mới…
Gia đình ông Bùi Đức Thịnh (ở thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa) là một trong những hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay tạo việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện. Thông qua chính sách dồn điền đổi thửa cũng như chủ trương khuyến khích chuyển đổi những vùng ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản của địa phương, đến nay gia đình ông sở hữu gần 2 ha ao nuôi cá và gần 1ha đất trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.
Đưa chúng tôi đi xem 2 ao cá đang tu sửa để chuẩn bị vào vụ thả mới, ông Thịnh cho biết, ông vừa thu hoạch gần 40 tấn cá với khoản lãi 500 triệu đồng. Ông chia sẻ: Muốn phát triển kinh tế phải có nguồn vốn vay ưu đãi, với thời hạn dài thì mới đủ quay vòng. Do vậy, nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH thực sự hữu ích đối với những nông dân như ông. Hiện nay, nhờ nguồn vốn này nhiều người dân trong vùng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có cuộc sống ổn định.
Cách đó không xa là gia đình ông Phạm Hồng Trình (thôn Phú Nhuận) cũng đã vươn lên có cuộc sống khá giả từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH. Năm 2016, với số tiền vay 50 triệu đồng, ông đầu tư làm hệ thống ao nổi để nuôi cá, ngoài ra ông còn mở rộng chăn nuôi thêm gà, lợn, chim bồ câu…
Hiện tại, mỗi năm, từ nuôi thủy sản ông có thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ông Trình chia sẻ về dự định trong tương lai của mình: Sau khi trả món nợ 50 triệu đồng, vừa qua tôi lại được ngân hàng tạo điều kiện cho vay tiếp, lần này mức vay tăng lên 90 triệu đồng, đủ để tôi đầu tư thêm hệ thống máy phát điện và các trang thiết bị cần thiết khác, tôi sẽ nâng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con xung quanh.
Ông Thịnh và ông Trình chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Gia Viễn đã phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Tất nhiên với nguồn vốn vay 50 triệu đồng (hiện nay là 100 triệu đồng) họ khó có thể gây dựng nên mô hình kinh tế lớn, nhưng chính sách ưu đãi về lãi suất, thủ tục vay vốn… đã phần nào góp nên thành công cho họ.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Viễn: Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Phòng giao dịch đã triển khai kịp thời các chính sách, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn đến với đối tượng thụ hưởng. Nhờ vậy, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm những năm gần đây ngày càng tăng.
Hiện, tổng nguồn vốn chương trình cho vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm trên địa bàn là 25.590 triệu đồng, tăng 6.890 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2018. Dư nợ đến ngày 14/11/2019 là 22.405 triệu đồng/542 lao động, đạt 87,6% kế hoạch năm. Trong đó, cho vay đối tượng khuyết tật là 320 triệu đồng/18 lao động, cho vay thông qua hộ gia đình và đối tượng khác là 22.085 triệu đồng/524 lao động.
Đặc biệt, thực thiện Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ, nâng mức vay vốn lên gấp đôi so với quy định trước đây, tối đa 100 triệu đồng/người lao động (mức cũ, tối đa là 50 triệu đồng), Phòng giao dịch huyện đã mạnh dạn đầu tư cho 6 lao động được vay vốn với tổng số tiền là 520 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân lúc thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hải, thực tế, nhu cầu vốn cho vay giải quyết việc làm trong toàn huyện rất lớn do đặc thù người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, lao động không có việc làm ổn định nhiều nên nguồn vốn cho vay tại Ngân hàng CSXH chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, Phòng giao dịch kiến nghị bổ sung nguồn vốn này từ ngân sách các cấp.
Hà Phương