Hiện trên địa bàn xã Gia Tân có 51 dòng họ, trong đó có 30 dòng họ lớn. Để mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT và nếp sống văn hóa mới" phát huy hiệu quả, Gia Tân đã sớm xây dựng kế hoạch triển khai và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng mô hình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, ngay sau khi tổ chức triển khai xây dựng mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT và nếp sống văn hóa mới", các dòng họ đã xây dựng các phương án quản lý, giáo dục con em của mình bằng phương pháp tổ chức họp các trưởng ngành, chi để truyền đạt nội dung của kế hoạch. Tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể của xã, nhất là lực lượng công an triển khai thực hiện, tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan đến ANTT, tác dụng, ý nghĩa của mô hình tới toàn thể các thành viên trong dòng họ thông qua các dịp lễ, giỗ, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tích cực tham gia xây dựng mô hình, phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Qua đó, đại bộ phận nhân dân đã nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị để xác minh, điều tra. Trong quá trình hoạt động, các dòng họ đã xây dựng quy ước hoạt động riêng phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, của địa phương, chủ động thảo luận với các thành viên trong dòng họ, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao, phát huy được vai trò của từng thành viên trong đảm bảo ANTT và xây dựng nếp sống văn hóa mới. Bên cạnh đó, các dòng họ còn khởi xướng nhiều phong trào thi đua trong học tập, lao động và công tác; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc của dòng họ. Vận động nhân dân giữ gìn nền nếp gia phong, truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở mỗi gia đình và mỗi dòng họ. Qua thực hiện mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT và nếp sống văn hóa mới", các dòng họ trên địa bàn xã đã xây dựng được tình đoàn kết tương thân tương ái, giúp đỡ nhau không phân biệt lương, giáo; họ lớn, họ nhỏ... Đặc biệt, nhiều dòng họ có đóng góp tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới như Giáo họ Tùy Hối đã vận động bà con giáo dân đóng góp 92 triệu đồng và 300 ngày công xây dựng 700m đường bê tông ngõ xóm. Ngoài ra, những người đứng đầu các dòng họ đã vận động các thành viên trong họ tham gia tích cực và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy; chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông...
Qua 1 năm thực hiện mô hình, trên địa bàn xã đã xảy ra 3 vụ phạm pháp hình sự, giảm 4 vụ so với năm trước khi thực hiện mô hình, số đối tượng hình sự, ma túy đã giảm; không có tụ điểm phức tạp về ma túy... Đồng thời, các dòng họ đã chủ động xây dựng các Tổ hòa giải trong dòng họ, thường xuyên kết hợp với các ngành chức năng, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa, tranh chấp giữa các thành viên của dòng họ mình cũng như quản lý, giáo dục, giúp đỡ các thành viên trong dòng họ có hành vi vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Có thể nói, việc thực hiện mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT và nếp sống văn hóa mới" trên địa bàn xã Gia Tân đã huy động cả hệ thống chính trị và mỗi người dân tham gia tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng nếp sống văn hóa mới, từ đó góp phần hạn chế sự phát sinh của các loại tội phạm, động viên con cháu của dòng họ thi đua học tập, lao động sản xuất, tránh xa các tệ nạn xã hội, xây dựng cuộc sống bình yên.
Kiều Ân