Gia đình bà Vũ Thị Tính ở xóm 3, Hồng Phong, xã Yên Mạc vốn là một hộ nghèo của xã, nhưng vài năm gần đây gia đình đã khấm khá nhờ có hai người con trai lớn đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Bà Tính cho biết, do gia đình nghèo khó, học xong cấp III, người con trai thứ hai của gia đình tìm hiểu thông tin về XKLĐ nên xin bố mẹ đi XKLĐ tại Đài Loan, với chi phí đi là 130 triệu đồng. Chi phí đi ban đầu khá lớn nên bà Tính đã vay tiền anh em họ hàng. Sau một năm làm việc ở nước ngoài, số tiền con trai bà gửi về đã đủ trả nợ. Một năm sau, người con trai cả của bà cũng theo em sang lao động tại Đài Loan khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại địa phương. Hiện tại, mỗi người con của bà Tính hàng tháng gửi về cho gia đình 10 triệu đồng làm vốn để sau này gia đình phát triển kinh tế.
Theo đồng chí Vũ Quang Dung, Chủ tịch UBND xã Yên Mạc, công tác XKLĐ được xã quan tâm chỉ đạo tuyên truyền trong các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. Hàng năm, xã có khoảng 8-10 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó chủ yếu đi làm việc ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nguồn thu từ XKLĐ đóng góp đáng kể trong việc nâng cao thu nhập, đời sống cho các gia đình, tạo điều kiện cho các gia đình phát triển kinh tế, đầu tư cho con em học tập.
Để đáp ứng nhu cầu người dân đi XKLĐ, huyện Yên Mô giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện là cơ quan thường trực, đầu mối tiếp nhận người có nhu cầu đi lao động và làm điểm đặt mối quan hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đồng thời, đôn đốc Ban chỉ đạo XKLĐ các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu người đi lao động; yêu cầu các doanh nghiệp tuyển dụng lao động thực hiện ký kết với người lao động. Tăng cường giới thiệu các công ty XKLĐ về tư vấn trực tiếp tại các thôn, xóm trên địa bàn huyện. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về XKLĐ được triển khai tới tận các thôn, xóm để người dân hiểu và lựa chọn đúng thị trường lao động tại các nước và lựa chọn được nước đi phù hợp với điều kiện, năng lực của người lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tạo điều kiện cho những gia đình nghèo, các đối tượng chính sách, hộ bị thu hồi đất trên địa bàn huyện có nhu cầu đi XKLĐ. Thị trường lao động hiện nay của Yên Mô chủ yếu đi các nước và vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Nga... Bình quân mỗi năm Yên Mô có khoảng 100 người đi XKLĐ. 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện có 45 người đi XKLĐ.
Tìm hiểu về công tác XKLĐ trên địa bàn huyện cho thấy, đa phần người lao động ở Yên Mô đã chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo, cần cù lao động. Do vậy, bình quân thu nhập của người đi lao động ở một số nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Libi trung bình 10 triệu đồng/tháng; Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản từ 15 - 35 triệu đồng/người/tháng. Người lao động hết hạn về nước, trừ các khoản chi phí thu nhập trung bình 300-500 triệu đồng. Từ số tiền đó, nhiều gia đình đã sửa sang nhà cửa, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hiệu quả trong công tác XKLĐ ở Yên Mô đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao trình độ, tay nghề và tăng thu nhập cho người lao động, giúp nhiều gia đình nghèo thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Đỗ Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Mặc dù công tác XKLĐ của huyện đã đạt được một số hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn trong công tác này. Đó là đa phần số người đi XKLĐ lựa chọn đi qua kênh do công ty tư nhân tự tìm kiếm hoặc do gia đình và bạn bè giới thiệu nên việc đi XKLĐ của các đối tượng thường bị kéo dài thời gian, phí cao nên một số thanh niên tư tưởng chán nản, không nhiệt tình. Cùng với đó, do cơ chế hiện nay, vốn vay cho các đối tượng đi XKLĐ mới chỉ đáp ứng ở mức vay 30-50 triệu đồng nên khi những hộ nghèo, cận nghèo muốn vay số tiền lớn hơn để đi các nước có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản (chi phí khoảng trên 130 triệu đồng) lại không có thế chấp nên hạn chế số đối tượng đi XKLĐ...
Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác XKLĐ, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tham mưu cho UBND huyện tăng cường công tác hỗ trợ vay vốn đi XKLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh; tăng cường giới thiệu các công ty có năng lực trong XKLĐ đến tận địa bàn khu dân cư để tuyên truyền cho người dân hiểu và lựa chọn đi XKLĐ khi có nhu cầu. Đặc biệt, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đang chờ hướng dẫn của tỉnh trong triển khai thực hiện Đề án XKLĐ của tỉnh có hiệu lực từ 1/1/2018 vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV, tạo điều kiện có thêm nhiều người dân trên địa bàn huyện đủ điều kiện được đi XKLĐ, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo, chung tay xây dựng huyện Yên Mô sớm đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.
Bài, ảnh: Tiến Minh