Hai vợ chồng anh Đinh Văn M. và chị Nguyễn Thị H., xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) không may mắc HIV có thời gian gần chục năm. Tưởng như cuộc đời khép lại với anh chị khi không biết tương lai bệnh tật như thế nào, con cái ra sao. Đã có lúc anh chị rơi vào bế tắc, tuyệt vọng, không có niềm tin. Sau đó được tuyên truyền, tìm hiểu, đặc biệt nhận được sự hướng dẫn tận tình của các y, bác sỹ, anh chị M. quyết tâm sinh con. Trong quá trình mang thai, chị H. nghiêm túc thực hiện phác đồ điều trị về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) cho người có HIV. May mắn và hạnh phúc vỡ òa khi 2 con anh chị chào đời cách nhau 5 năm khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Giống như hoàn cảnh của chị H, chị Trần Thị T., xã Ân Hòa (Kim Sơn) cũng là một người có HIV. Tuy nhiên, không vì vậy mà chị buông xuôi tất cả. Niềm khát khao được làm mẹ luôn hiển hiện trong suy nghĩ của chị. Chia sẻ về cô con gái kháu khỉnh vừa chào đời cách đây một năm, chị T. chia sẻ: Bản thân tôi là một người nhiễm HIV. Khi quyết định sinh con thì tôi đã đến gặp bác sỹ tại trung tâm phòng, chống HIV/AIDS để được tư vấn và làm theo những quy trình về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đầu tiên, tôi được bác sĩ tư vấn, kiểm tra sức khỏe và chỉ định làm những xét nghiệm cần thiết, tư vấn về thời điểm điều trị, phác đồ điều trị, tầm quan trọng của tuân thủ điều trị. Hàng tháng, tôi vẫn được các bác sỹ ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tư vấn về tầm quan trọng của tuân thủ điều trị trong DPLTMC từ mẹ sang con ,nên dùng phác đồ điều trị nào phù hợp với em bé cũng như chế độ dinh dưỡng trong quá trình mang thai đến kỳ sinh nở và cả quá trình nuôi dưỡng sau sinh. Do vậy, tôi sinh em bé rất an toàn. Sau một tháng, tôi làm xét nghiệm bé âm tính với HIV.
Được biết, ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính trong lây truyền HIV/AIDS. Khi mang thai, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25 - 40%. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên 100 bà mẹ mang thai có HIV (không được can thiệp) cho thấy 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn bú mẹ. Như vậy, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm. Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36%.
Theo bác sĩ Ngô Thị Hồng, Trưởng khoa quản lý điều trị, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, việc tiếp cận sớm các dịch vụ rất có ý nghĩa đối với các bà mẹ mang thai và đứa con mà họ đang mang trong bụng.
Theo thống kê tại tỉnh Ninh Bình, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 25 phụ nữ nhiễm HIV mang thai thì 100% được điều trị dự phòng. Kết quả, đã có 23 đứa trẻ được sinh ra an toàn, xét nghiệm âm tính với HIV, (còn hai trẻ chưa đến ngày sinh). Như vậy, nhờ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ chỉ còn chiếm từ 0,2-0,5%.
Để thực hiện được mục tiêu "không còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ", công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Đặc biệt nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2017, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai tích cực trên phạm vi toàn tỉnh với các đối tượng tác động chính là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ,phụ nữ trong nhóm có nguy cơ cao, PNMT, phụ nữ nhiễm HIV, PNMT nhiễm HIV, trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và người thân của họ, cán bộ và nhân viên y tế tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tháng cao điểm đã được thực hiện với hàng loạt các hoạt động truyền thông trực tiếp và lưu động, trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó trọng tâm là cung cấp các dịch vụ xét nghiệm cho phụ nữ mang thai tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, trạm y tế; lấy mẫu xét nghiệm cho phụ nữ mang thai ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn; cấp băng zôn, tờ rơi, khẩu hiệu tuyên truyền về Tháng hành động… Cùng với đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị y tế, các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh tập huấn cho cán bộ y tế, truyền thông trực tiếp cho PNMT, phụ nữ tuổi sinh đẻ… Trong tháng đã phát sóng hàng nghìn bài viết, thông điệp trên đài phát thanh truyền hình tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông đa dạng như cấp phát và sử dụng hàng chục nghìn tờ rơi, tờ gấp, sách, tạp chí và chăng treo nhiều băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về HIV/AIDS...
Từ kết quả tích cực qua Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vừa qua, thời gian tới, ngành Y tế chỉ đạo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục áp dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền khác nhau phù hợp với từng địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức cho các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các cơ sở y tế cũng sẽ thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV nhằm phát hiện sớm PNMT nhiễm HIV, chăm sóc và cung cấp dịch vụ DPLTMC cho PNMT nhiễm HIV. Đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV liên tục, kịp thời để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không để xảy ra tình trạng không có thuốc ARV cho dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bài, ảnh: Hạnh Chi