Để đạt được những kết quả này, thành phố Ninh Bình đã không ngừng tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các tiêu chuẩn xây dựng gia đình hạnh phúc… trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố. Trong gần 8 năm (2006-2014) đã phát sóng trên 600 tin, bài; tuyên truyền cho gần 6 nghìn học sinh về bình đẳng giới. Toàn thành phố có 52 mô hình CLB hoạt động hiệu quả. Đã tổ chức 125 buổi tư vấn pháp lý, sức khỏe, tâm lý giao tiếp cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; xây dựng 43 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Có 63 người gây bạo lực gia đình được phát hiện và tổ chức tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện 100% phường, xã có tủ sách pháp luật về bình đẳng giới… Để không ngừng nâng cao vị thế xã hội của phụ nữ, thành phố Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo nhằm từng bước thay đổi nhận thức về công tác cán bộ nữ trong các ngành, các cấp; đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ nhằm nâng cao trình độ, năng lực, sở trường. Như tổ chức lớp bồi dưỡng cho các nữ đại biểu tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tạo điều kiện cho chị em được tham gia ứng cử vào các vị trí lãnh đạo.
Cùng với đó, thành phố cũng xây dựng quy hoạch cán bộ nữ theo hướng mở để tạo điều kiện cho nữ cán bộ có cơ hội bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, mạnh dạn bố trí những cán bộ nữ có năng lực vào các vị trí chủ chốt. Theo đó, số nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 là: cấp thành phố có 10 chị, trong đó có 1 chị tham gia Ban Thường vụ; cấp xã, phường có 61 chị, trong đó có 4 chị tham gia Ban Thường vụ. Năm 2007, toàn thành phố có 21 chị giữ các cương vị trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể, đến năm 2014, tăng lên 32 chị…
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo đối với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động. Điển hình như việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho phụ nữ; nâng cao kiến thức kỹ năng quản lý, phát triển doanh nghiệp và tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi; hỗ trợ chị em trong tìm kiếm việc làm; thành lập mô hình câu lạc bộ doanh nghiệp nữ...
Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ được vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế như đất canh tác, nắm bắt thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách và cơ hội tham gia sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ được hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo…
Kết quả, năm 2007, toàn thành phố có trên 900 phụ nữ được tạo việc làm mới, năm 2013 tăng lên hơn 1 nghìn người; năm 2007 chỉ có 118 doanh nghiệp do nữ đứng chủ thì năm 2014 tăng lên 193 doanh nghiệp do nữ đứng chủ; từ 35 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ được vay vốn chương trình xóa đói, giảm nghèo và các chương trình khác thì đến năm 2013 tăng lên trên 102 hộ...
Ngoài ra, việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế…cũng được quan tâm. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên của ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố có trình độ Đại học gần 70%, thạc sỹ gần 2%; 100% phụ nữ mang thai được tư vấn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; đời sống văn hóa, tinh thần của chị em từng bước được nâng lên, số gia đình đạt danh hiệu văn hóa tăng dần qua các năm…
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thực hiện công tác bình đẳng giới, thời gian tới, thành phố Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, Luật Bình đẳng giới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Xác định việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới nói chung và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu của Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới từ nay đến năm 2015.
Hội phụ nữ, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp tiếp tục tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát huy cao nhất vai trò, khả năng đóng góp của bản thân cho xã hội. Quan tâm hơn nữa đến quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ nữ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai pháp luật về bình đẳng giới tại các xã, phường, đơn vị trên địa bàn thành phố…
Huy Hoàng