Là một trong số nhiều người được học lớp dạy nghề đan hàng cói, chị Vũ Thị Thanh Hoa, ở xã Ân Hòa (Kim Sơn) rất phấn khởi vì qua 3 tháng học nghề và làm nghề, chị đã đan được các sản phẩm hàng cói, lục bình đòi hỏi kỹ thuật cao và được Công ty TNHH Đổi Mới đóng trên địa bàn huyện bao tiêu sản phẩm. Từ chỗ không có việc làm những lúc thời vụ nông nhàn, giờ đây chị Hoa đã có thu nhập từ 80-100 nghìn đồng một ngày. Chị Hoa cho biết, nhờ có nghề đan cói lúc nông nhàn với đầu ra được thu mua tận nhà mà đời sống gia đình chị dần ổn định. Hiện mỗi tháng chị có thêm 2 triệu đồng mua sắm những thứ cần thiết phục vụ cuộc sống gia đình, đặc biệt hiện đang vào năm học mới không phải lo tiền đóng học cho các con.
Theo bà Phạm Thị Thu Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn, hiện toàn Hội có trên 27 nghìn hội viên. Qua khảo sát, đánh giá của các cấp Hội, đa số chị em phụ nữ nông thôn đều mong muốn có việc làm thêm lúc thời vụ nông nhàn để tăng thu nhập cho gia đình. Từ thực tế đó, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn đã chú ý nắm bắt nhu cầu thị trường lao động tại địa phương để tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của chị em. Trong đó, phát huy thế mạnh nghề truyền thống tại địa phương là đan các mặt hàng cói, bèo bồng, các cấp Hội phụ nữ đã tạo điều kiện để hội viên thành lập các tổ hợp, nhóm sản xuất, đồng thời phối hợp đào tạo nghề cho hội viên phát huy nghề truyền thống một cách hiệu quả.
5 năm qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp, Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức được gần 200 lớp dạy nghề, truyền nghề và giới thiệu việc làm cho trên 18.000 lượt hội viên phụ nữ về các nghề, như: May công nghiệp, cuốn lúa non, kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu con nuôi, cây trồng và nghề truyền thống đan cói ở địa phương. Qua đánh giá bước đầu, sau học nghề hầu hết chị em phụ nữ có việc làm, thu nhập tương đối ổn định với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía tổ chức hội, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, mở rộng các mô hình sản xuất, tạo thu nhập cho gia đình và việc làm cho hội viên. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Tam, xóm 2, xã Tân Thành với mô hình dệt chiếu bằng máy, tạo việc làm cho hơn 100 lao động nữ và các cháu khuyết tật trong xóm, doanh thu gần 500 triệu đồng/năm; chị Đỗ Thị Loan, xóm 2, xã Yên Lộc với mô hình dệt chiếu bằng máy, tạo việc làm cho hơn 50 lao động nữ, doanh thu gần 400 triệu đồng/năm; chị Dương Thị Miến, xóm 6, xã Thượng Kiệm là tổ hợp thu gom hàng cói, bèo bồng, hỗ trợ dạy nghề cho phụ nữ và tạo việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động nữ…
Đặc biệt, nhằm giúp phụ nữ nghèo đứng chủ có thể thoát nghèo bền vững, các cấp Hội phụ nữ trong huyện đều có các hoạt động trợ giúp thiết thực, hiệu quả. Cụ thể như dạy nghề miễn phí, hỗ trợ về vốn, tham gia các loại hình tiết kiệm. Hội phụ nữ các cấp đã tích cực khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay, hiện có trên 5 nghìn lượt hội viên phụ nữ nghèo được vay với dư nợ các ngân hàng trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng phát động cán bộ, hội viên tích cực tham gia các loại hình tiết kiệm như: nhóm xoay vòng; tiết kiệm 10.000 đồng/tháng; nhóm tiết kiệm qua các chương trình dự án; tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH... Đến nay đã thành lập được trên 700 nhóm, thu hút gần 28 nghìn phụ nữ tham gia, đóng góp được tổng số tiền trên 12 tỷ đồng, giúp cho trên 10 nghìn phụ nữ nghèo vay phát triển sản xuất.
Cùng với việc hỗ trợ về vốn, về kiến thức giúp phụ nữ thoát nghèo, Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn đã và đang trực tiếp tham gia xây dựng, duy trì nhiều mô hình mới về phát triển kinh tế ở các địa phương, nhất là những xã còn gặp nhiều khó khăn. Tiêu biểu như mô hình "Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, trồng cây thuốc nam" ở 4 xóm thuộc 2 xã Kim Hải, Kim Đông; mô hình "Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế vườn trồng rau sạch" tại xóm 7, xã Yên Lộc với hàng chục hộ gia đình tham gia, có doanh thu bình quân từ 100-150 triệu đồng/năm và nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản tại các xã vùng bãi bồi ven biển, cho thu nhập ổn định và tạo việc làm cho hàng chục lao động là chị em phụ nữ trên địa bàn.
Có thể nói, lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế gắn với xây dựng các mô hình giải quyết việc làm sau đào tạo là cách làm khá hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ của Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn. Bằng cách làm này đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên và tổ chức Hội, giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ ngày càng gắn bó, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần xây dựng tổ chức hội phụ nữ các cấp ngày càng vững mạnh.
Thùy Phương