Theo báo cáo của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô: Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đang triển khai trên địa bàn đạt gần 325 tỷ đồng với trên 14 nghìn lượt hộ đang có dư nợ. Chất lượng tín dụng ngày càng tăng, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,16% tổng dư nợ, giảm 2,02% so với năm 2002.
Vốn vay được giải ngân đến đúng đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ nguồn vốn đầu tư của các chương trình đã có trên 62 nghìn lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền trên 815 tỷ đồng. Từ các chương trình tín dụng ưu đãi, đã giúp cho trên 10.800 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2003 là 14,34% xuống còn 8,33% năm 2016.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 2.000 lao động có việc làm mới, trên 17.000 lượt hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có tiền nuôi con ăn học tại các trường đại học, cao đẳng, học nghề và gần 11.500 lượt hộ gia đình được vay vốn xây dựng các công trình vệ sinh, công trình nước sạch, cải thiện đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Yên Mô.
Theo ông Vũ Trọng Thứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện: Để đạt được kết quả trên, trong 15 năm qua, huyện Yên Mô đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể, các phòng, ban liên quan phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhanh chóng giải ngân vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn và giao dịch xã đã phát triển mạnh, phủ khắp các thôn, xóm trên địa bàn 17 xã, thị trấn, công tác cho vay tín dụng chính sách được thực hiện theo nguyên tắc giải ngân và thu nợ trực tiếp thông qua tổ giao dịch lưu động tại xã, không qua cầu cấp trung gian, đảm bảo độ chính xác, tính minh bạch.
Điểm giao dịch lưu động đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với hoạt động của Ngân hàng CSXH trong quá trình vay vốn, trả nợ, trả lãi đảm bảo công khai, dân chủ từ cơ sở.
Nhìn chung, từ khi điểm giao dịch tại xã đi vào hoạt động, các hộ vay vốn rất phấn khởi, việc vay vốn cũng như trả nợ, thanh toán các khoản phí… rất thuận tiện, không phải đi xa, tiết kiệm thời gian.
Mặt khác, thông qua tổ giao dịch lưu động tại xã đã tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với các đoàn thể trong công tác cho vay, thu nợ và giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình hoạt động, tạo sự gắn bó giữa Phòng giao dịch với chính quyền địa phương.
Việc giải ngân cho vay được thực hiện theo phương thức ủy thác một số khâu tác nghiệp cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên) theo nguyên tắc chính là bình xét dân chủ, công khai tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, vốn được giải ngân trực tiếp tại xã qua tổ giao dịch lưu động. Phương thức này thể hiện tính ưu việt, đem lại hiệu quả cao giúp cho Ngân hàng CSXH cũng như các đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang quản lý 377 tổ tiết kiệm và vay vốn với 14.000 hộ dư nợ, số dư nợ ủy thác chiếm 99,8% trên tổng dư nợ tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện. Thông qua hoạt động ủy thác cho vay, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác đã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến cách thức làm ăn cho hội viên để họ gắn bó hơn với tổ chức Hội.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát và theo dõi hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có thể đánh giá được ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và các đơn vị nhận ủy thác có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm thì ở đó hoạt động cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách đạt kết quả tốt và ngược lại.
Ngoài nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hàng năm Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô phối hợp tổ chức tập huấn các chủ trương chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, các quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng CSXH cho các cán bộ Hội và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, công tác tăng trưởng tín dụng được an toàn và hiệu quả.
Từ những kết quả đạt được trên địa bàn huyện Yên Mô cho thấy chương trình tín dụng chính sách thể hiện ý nghĩa sâu sắc, khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội.
Các chương trình tín dụng chính sách đã tranh thủ được sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, sự tham gia của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội cùng triển khai thực hiện, góp phần cùng huyện triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Hồng Giang