Trong Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, đối với lĩnh vực y tế, Nghị quyết nêu rõ: Tổ chức các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp: Chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3. Sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế. Xây dựng một số bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương thành Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép.
Thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; trung tâm trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có). Rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực. Nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập trạm y tế xã. Điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học).
Đối với ngành Y tế Ninh Bình, từ tháng 8/2017, Sở Y tế đã hoàn thành Đề án "Thành lập Trung tâm y tế huyện, thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố trên cùng địa bàn". Theo đó, toàn tỉnh có 5/8 đơn vị sự nghiệp y tế tuyến huyện, thành phố tổ chức sáp nhập tại các huyện, thành phố, bao gồm các huyện: Yên Mô, Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp. Đây là những đơn vị sự nghiệp công lập hạng 3, trực thuộc Sở Y tế, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Sở Y tế về tổ chức, biên chế và hoạt động; chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh. Sau khi sáp nhập, Trung tâm y tế huyện thực hiện chức năng cung cấp các dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.
Tại Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp, sau gần 1 năm sáp nhập 2 đơn vị là Trung tâm Y tế thành phố với Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm y tế thành phố Tam Điệp đã từng bước sắp xếp, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động, bố trí công việc phù hợp theo năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức. Với mô hình hoạt động mới, Trung tâm Y tế thành phố hoàn toàn có thể chủ động, linh hoạt trong công tác điều động nhân viên, phương tiện khi cần thiết phải ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng trong những thời điểm nhất định.
Bác sĩ Hoàng Văn Thuật, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp cho biết, trước đây, khi còn là Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa thành phố thì 2 đơn vị có rất nhiều khoa, phòng; sau khi sáp nhập thành một đầu mối là Trung tâm Y tế thành phố đã giảm được khá nhiều đầu mối. Đáng nói hơn, việc sáp nhập đã giúp cho mảng dự phòng và điều trị được quản lý, chỉ đạo phối hợp thực hiện đan xen, bổ trợ nhau, mang lại hiệu quả cao hơn. Đối với cá nhân bác sĩ Thuật, khi còn ở Trung tâm cũ, với vai trò là Phó giám đốc, anh chỉ làm nhiệm vụ quản lý dự phòng mảng y tế xã, phường; sau khi sáp nhập, bác sĩ Thuật vừa làm nhiệm vụ Phó giám đốc vừa kiêm nhiệm vụ Trưởng khoa nhi-cấp cứu chống độc. Theo đó, ngoài công tác quản lý, hàng ngày, bác sĩ Thuật cùng đồng nghiệp trong khoa bố trí lịch trực, trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân tại khoa mình quản lý. Hoạt động theo mô hình mới, tuy công việc nhiều và vất vả hơn, nhưng đa số cán bộ, viên chức Trung tâm phấn khởi, say sưa vì được phát huy trình độ chuyên môn, nâng cao thu nhập và có thể đảm nhiệm được nhiều công việc khác tại cơ quan.
Bác sĩ Trịnh Thị Hường, Khoa sản, Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp chia sẻ, trước khi sáp nhập với Bệnh viện Đa khoa, chị và các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Y tế thành phố không khỏi băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, sau một thời gian sáp nhập, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo mô hình mới, hầu hết đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của 2 bên được sắp xếp lại theo trình độ chuyên môn được đào tạo, đảm bảo phù hợp với công việc, vị trí việc làm, không phân biệt bác sĩ điều trị và dự phòng, do đó hầu hết cán bộ, viên chức cảm thấy yên tâm, phấn khởi, thực hiện nhiệm vụ với ý thức, trách nhiệm cao. "Khi ở Trung tâm cũ, tôi chỉ làm nhiệm vụ dự phòng về công tác tư vấn kế hoạch hóa gia đình. Sau khi sáp nhập, ngoài thực hiện nhiệm vụ cũ, tôi còn được trưng dụng làm nhiệm vụ chuyên môn tại khoa sản của Bệnh viện Đa khoa. Có thêm nhiệm vụ mới, tôi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám đốc trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình." - bác sĩ Trịnh Thị Hường cho biết thêm.
Bằng việc sáp nhập 2 đơn vị thành một đầu mối, Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp có thêm điều kiện tập trung nguồn lực, đầu tư mới trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh, thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông hơn. Năm 2017, có gần 90 nghìn lượt bệnh nhân đến khám, điều trị tại Trung tâm, vượt 134% so với kế hoạch. 3 tháng đầu năm 2018, có trên 30 nghìn lượt bệnh nhân chọn Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp làm nơi khám và điều trị bệnh, giảm dần tình trạng chuyển tuyến và từng bước giảm bội chi quỹ BHYT.
Ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Theo Đề án "Thành lập Trung tâm y tế huyện, thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố trên cùng địa bàn", việc sáp nhập 2 đơn vị sự nghiệp y tế tuyến huyện thành 1 đơn vị nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy y tế cơ sở, giảm đầu mối, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng hoạt động; tập trung cơ sở vật chất cho công tác dự phòng và điều trị, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó tập trung tối đa nguồn lực có trình độ chuyên môn sâu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành các hoạt động y tế tại cơ sở. Đồng thời, với mô hình Trung tâm Y tế (mới), lãnh đạo Trung tâm hoàn toàn chủ động, linh hoạt trong công tác điều động nhân viên khi cần thiết phải ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng trong những thời điểm nhất định. Đây là bước tiến mới của ngành Y tế trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, tinh giản biên chế, giảm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Với việc thực hiện sáp nhập theo đúng lộ trình, đúng Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, đánh giá bước đầu cho thấy, hầu hết các đơn vị được sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định, thực hiện hiệu quả chức năng của các Trung tâm Y tế tuyến huyện. Lúc này, với nhiệm vụ là Trung tâm y tế 2 chức năng, công tác phòng chống dịch bệnh và công tác điều trị tại bệnh viện cũng như tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn được quản lý theo ngành dọc, tập trung hơn, từ đó hiệu quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong ngành sẽ cao hơn. Hiện, ngành Y tế Ninh Bình đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án sáp nhập 5 Trung tâm tuyến tỉnh theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, bao gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe.
Mỹ Hạnh