Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng hành hoa của HTX, ông Trịnh Văn Thành, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Phong phấn khởi cho biết: Ngay sau đại hội, HTX bắt đầu ổn định tổ chức và đi vào hoạt động với 4 thành viên. Không chỉ đứng ra đảm nhận các khâu dịch vụ mà HTX còn mạnh dạn đưa một số mô hình mới vào đồng đất của địa phương, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nông dân. Theo đó, từ đầu tháng 3 năm 2016, HTX phối hợp với Công ty TNHH thực phẩm Thiên Nhiên Xanh (có trụ sở tại địa bàn xã Sơn Hà) trồng thí điểm 2,5 ha hành hoa trên diện tích đất 5% của xã thuộc khu vực cánh đồng Vừng ở thôn Phong Lai 2. Trước đây, diện tích đất ở khu vực này chỉ cấy 1 vụ lúa và trồng 1 vụ màu nhưng hiệu quả không cao.
Để có nguồn nhân lực tham gia mô hình, HTX tiến hành thuê chính những người nông dân ở đây tham gia sản xuất, vừa để họ có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc và học hỏi kinh nghiệm, vừa có thêm thu nhập.
Để triển khai mô hình, Công ty thực phẩm Thiên Nhiên Xanh đã đứng ra cung ứng giống, phân bón theo hình thức trả chậm, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và trực tiếp bao tiêu sản phẩm.
Theo quy trình kỹ thuật trồng cây hành hoa, sau khi xuống giống được 3 ngày thì bắt đầu làm cỏ, chăm bón, mỗi lứa bón phân 5 lần và dừng chăm bón sau 7 đến 10 ngày thì thu hoạch. Sau khi trồng khoảng 45 ngày thì thu hoạch lứa đầu, từ lứa sau cứ 30 - 35 ngày lại thu hoạch 1 lần tùy vào tình hình thời tiết và cách chăm bón. Một lần xuống giống có thể thu hoạch được 4 lứa hành với hình thức cắt ngang phần lá, để lại phần gốc.
Hiện nay, HTX nông nghiệp Đồng Phong đang tiến hành thu hoạch lứa thứ 2, năng suất bình quân mỗi sào thu được từ 300- 350 kg hành hoa. Với giá bán trên 6.000 đồng/1 kg, mỗi sào hành hoa thu về từ 1,8-2 triệu đồng/lứa.
Như vậy, với 4 lứa hành thì 1 sào trồng hành hoa có thể thu được từ 6 - 7 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Không những thế, theo tính toán của các nhà khoa học thì từ lứa thứ 2 trở đi, cây hành sẽ đẻ nhánh nhiều hơn và ra ít hoa hơn, năng suất sẽ tăng lên khoảng 400 đến 500 kg/sào.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của mô hình trồng hành hoa, ông Trịnh Văn Thành, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Phong nhận định: Với năng suất thu được từ 2 lứa hành vừa qua có thể khẳng định đây là một trong những cây trồng phù hợp với đồng đất của địa phương, quy trình trồng, chăm sóc cũng đơn giản.
Điều quan trọng hơn cả là mô hình đã góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của bà con về việc áp dụng KHKT cũng như chuyển đổi giống cây trồng, con nuôi phù hợp, thích ứng với thị trường.
Tuy nhiên, đợt cuối tháng 5 vừa qua do thời tiết nắng nóng nên năng suất cây hành đã bị sụt giảm khoảng 1 tạ/sào. Điều này đã được Ban giám đốc HTX rút kinh nghiệm.
Do đó, sang năm, việc trồng hành hoa sẽ được chuyển đổi khung thời vụ từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau nhằm tránh thời tiết nắng nóng. Hơn nữa, khoảng thời gian này, nguồn nhân lực sẽ dồi dào vì nông dân không vướng bận mùa vụ, mặt khác, các hộ xã viên cũng đã nắm bắt được cơ bản kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hành hoa, tin rằng năng suất và hiệu quả kinh tế của cây hành hoa sẽ cao hơn rất nhiều.
Với những tín hiệu vui từ cây hành hoa, HTX nông nghiệp Đồng Phong đã quyết định mở rộng thêm 10-15 ha. Để việc triển khai nhân rộng mô hình đạt hiệu quả cao hơn, hiện nay HTX đang tiến hành đào kênh dẫn nước ở khu đồng Vừng để chủ động nguồn tưới, đồng thời san ủi những gò đất cao để tạo mặt bằng.
Việc trồng hành hoa cũng cho thấy, những chân ruộng có nhiều kẽm và đồng thì cây hành thường bị xoăn lá và khả năng chịu nhiệt kém.
Đây là những vấn đề mà Ban giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Phong rút ra để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, góp phần tăng thu nhập, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bài, ảnh: Mai Lan