Đồng chí Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 được huyện Yên Mô thực hiện từ tháng 6/2016. Thời gian qua huyện Yên Mô đã tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung, mục đích của Đề án; tổ chức 14 lớp tập huấn tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 1 lớp chuyên đề cho nhân dân trên địa bàn với trên 2.000 người tham dự. Từ tháng 6/2016 đến nay đã hỗ trợ tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng cho các đơn vị để thực hiện các nội dung trong Đề án. Đáng nói là huyện đã tích cực triển khai tích tụ ruộng đất nhằm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Tính đến hết tháng 5/2017, toàn huyện có 713 hộ tích tụ được gần 600ha đất, trong đó có 325,8ha trồng cây hàng năm; 50,4ha làm trang trại, gia trại; 194,7ha sản xuất theo mô hình lúa - cá và 11ha chuyên nuôi thủy sản.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh, các xã, thị trấn đã chuyển đổi được trên 30ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như chuối, táo, ổi; tập trung ở các xã: Mai Sơn, Yên Đồng, Yên Hòa, Yên Từ, Yên Phong, Yên Thái gắn với đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, hiện các loại cây trồng này đã cho thu hoạch, hiệu quả nhất là mô hình trồng chuối kết hợp nuôi cá cho thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/sào/năm; mô hình trồng ổi cho thu nhập 10 triệu đồng/sào/năm, các sản phẩm đều có đầu ra tiêu thụ rất thuận lợi.
Đặc biệt, vụ hè thu 2017, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết sản xuất 4 vụ trong năm với công thức luân canh: Khoai tây đông xuân - ngô ngọt xuân hè - đậu xanh hè thu - lạc đông, với quy mô 3ha ở xã Yên Thái, dự kiến giá trị thu hoạch đạt 300 triệu đồng/ha/năm, 100% các sản phẩm được doanh nghiệp thu mua, đây được đánh giá là mô hình canh tác cho hiệu quả cao, bền vững và sẽ nhân rộng.
Đồng thời, Yên Mô đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình chăn nuôi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi triển khai xây dựng các mô hình nuôi các con nuôi có giá trị kinh tế cao như: nuôi gà rừng tại xã Yên Thành; nuôi trạch đồng, trạch sụn tại xã Yên Hòa; ếch Thái Lan tại xã Yên Phong.
Từ tháng 6/2016 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi thêm 98,9ha sản xuất lúa - cá, đưa tổng diện tích thực hiện mô hình lúa - cá của toàn huyện lên gần 500ha, đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa - cá tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa tại các xã: Yên Thái, Yên Thắng, Yên Đồng cho thu nhập cao hơn cấy lúa từ 3- 5 lần.
Đáng chú ý là trong năm 2017, phòng Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng mô hình "ao nổi" với quy mô 5ha tại các xã Yên Thái, Yên Đồng, Yên Thắng và Yên Hòa để thâm canh thủy sản, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, để chủ động phòng chống lụt bão, tưới tiêu phục vụ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Yên Mô đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình thủy lợi và đang tiếp tục thi công các công trình phục vụ dự án nuôi trồng thủy sản và vùng sản xuất rau hàng hóa, hiện nay trên địa bàn huyện đã có 52 máy bơm vô ống, góp phần quan trọng để mở rộng diện tích lúa gieo vãi, rút ngắn thời gian lao động.
Không chỉ vậy, các HTX trên địa bàn huyện đã chủ động mở rộng các dịch vụ mới như làm đất, thu hoạch sản phẩm, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm... Đến nay đã có 19 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, tăng 8 HTX so với trước khi thực hiện Đề án, tạo thu nhập ổn định cho xã viên, nông dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô vẫn chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh tế trong nông nghiệp còn thấp. Các mô hình có hiệu quả kinh tế cao chưa được nhân rộng.
Một số HTX chưa chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thế mạnh của vùng với các doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Nhiều hộ dân chưa mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Một số cơ sở chưa tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...
Để đạt được mục tiêu đặt ra của Đề án, thời gian tới huyện Yên Mô sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Nhất là quyết liệt hơn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các loại cây, con có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh. Kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn...
Kiều Ân