Chị Sự cho biết: Nghề đan cói se trên cũi sắt đơn giản, phù hợp với lao động nông thôn nên chị em tham gia học khá đông. May là dù học chúng tôi vẫn được trả công. Trong thời gian học, chúng tôi được hỗ trợ 10.000 đồng/ngày. Kết thúc lớp học, tôi đã làm ra sản phẩm đạt yêu cầu, được công ty chấp nhận, hiện giá trị ngày công ban đầu của tôi là từ 15.000 - 20.000 đồng. Làm chăm chỉ, mỗi tháng tôi cũng có thu nhập từ 450.0000-500.000 đồng. ở quê, số tiền này cũng phần nào trang trải cho cuộc sống cho gia đình.
Không riêng chị Sự tìm được thu nhập từ chương trình dạy nghề của Chính phủ và doanh nghiệp, mà cùng lớp học nghề với chị còn có 400 học viên khác của xã Gia Hòa.
Ông Phạm Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa cũng phấn khởi cho biết: Vấn đề việc làm cho người lao động là bài toán khó của địa phương từ nhiều năm nay. Vì vậy, khi được tỉnh chọn triển khai thí điểm về dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, chính quyền và nhân dân xã rất phấn khởi. Chúng tôi xác định đây là cơ hội lớn cho lao động địa phương, vì thế phải làm thật nghiêm túc, hiệu quả. Sự nghiêm túc và hiệu quả ông Lưu nói là việc xã đã phối hợp với các ban, ngành, các Trung tâm dạy nghề xây dựng kế hoạch dạy nghề đảm bảo đúng theo quy định, hướng dẫn. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh 3 cấp, tại các hội nghị ở cơ sở. Những văn bản hướng dẫn, đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được cán bộ xã truyền tải tới tận người dân.
Kết quả, tại xã Gia Hòa, đã có 400 học viên đăng ký học 2 nghề đan dây cói se trên khung sắt và đính cườm, sợi móc hộp. Sau thời gian học nghề, đã có hơn 90% học viên có tay nghề làm ra sản phẩm trị giá trên 21 triệu đồng bán cho Công ty.
Trao đổi với ông Lâm Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được biết: Tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định số 1956 ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đến cán bộ chủ chốt trên địa bàn. Đồng thời, các huyện, thành phố đã tổ chức triển khai đến các đơn vị liên quan và các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020. Khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của 760 doanh nghiệp lớn trên địa bàn và toàn bộ năng lực dạy nghề của 51 cơ sở dạy nghề. Đây chính là cơ sở quan trọng để xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh Ninh Bình.
Nhằm nâng cao chất lượng của công tác dạy nghề, UBND tỉnh cũng đã phân bổ 40,13 tỉ đồng dạy nghề năm 2010. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 34,13 tỷ, địa phương cấp là 6 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn cho các cơ sở dạy nghề, các địa phương để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, xã nghèo của tỉnh. Tỉnh cũng đang tập trung xây dựng Trường trung cấp nghề Nho Quan với nguồn kinh phí được phê duyệt là 75 tỷ đồng. Trong năm 2010, toàn tỉnh đã tổ chức được 335 lớp dạy nghề cho 10.020 người là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt hơn 70%.
Hiệu quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã bước đầu khẳng định nhưng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế khi triển khai Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối với công tác triển khai thực hiện, một số huyện nhận thức chưa đầy đủ nên triển khai chậm so với kế hoạch của tỉnh đề ra. Công tác điều tra, khảo sát chậm tiến độ ảnh hưởng đến tổng hợp chung của tỉnh. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác tuyên truyền và các chính sách dạy nghề của Nhà nước đối với người dân chưa sâu rộng. Hiện, việc triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập như: kinh phí đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu thực tế, cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề chưa được đầu tư đồng bộ, đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, yếu về kinh nghiệm và năng lực giảng dạy…
Trong phương hướng phát triển công tác dạy nghề đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu bình quân mỗi năm tuyển sinh đào tạo cho khoảng 17.000 lượt người, đưa tỷ lệ qua đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 55%. Đồng thời, đảm bảo giai đoạn 2011-2015 có 70-80% và giai đoạn 2015-2020 có 80-90% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Thu Hằng