Tuy nhiên, do quy mô nền kinh tế của 4 nước tham gia nhỏ nên không nhận được sự quan tâm cao của các nước. Tháng 9-2008, Mỹ tuyên bố tham gia, nhưng trên cơ sở đàm phán một hiệp định hoàn toàn mới và gọi là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngay sau đó các nước ốttrâylia, Pê ru cũng tuyên bố tham gia và đến năm 2012 thì tiếp nhận thêm các thành viên mới: Việt Nam, Malaixia, Mehico, Canada, Nhật Bản, nâng tổng số các thành viên tham gia đàm phán lên 12 nước. Kể từ tháng 3-2010 khởi động đàm phán TPP đã trải qua hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng.
Các nhà lãnh đạo các nước trong TPP cũng đã gặp nhau nhiều lần bên lề các hội nghị APEC, ASEAN... đưa ra định hướng cần thiết trong đàm phán.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10-2015, tại hội nghị Bộ trưởng các nước trong TPP được tổ chức tại Mỹ đã kết thúc cơ bản nội dung đàm phán và hiện các nước đang tiến hành thủ tục pháp lý chính thức ký kết, phê chuẩn Hiệp định.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương): Việt Nam tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ khẳng định vị thế, vai trò về địa- chính trị quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng cũng như châu Á- Thái Bình Dương nói chung; nhất là khi tình hình an ninh, chính trị trong khu vực và thế giới đang có sự thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường; là điều kiện để nâng cao nội lực, ứng phó; củng cố đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa.
Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, TPP sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất trong số 12 nước tham gia.
Các nước trong TPP, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Canada..., giảm thuế nhập khẩu về 0% cho các hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra cú hích lớn cho kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, thủy sản... của nước ta nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, khi mà trên địa bàn đã và đang có nhiều dự án, cơ sở sản xuất ở các lĩnh vực này.
Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng này, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ (C/O) được thiết kế với hàng dệt may là "từ sợi trở đi" đều phải xuất xứ từ các nước trong TPP.
Đây cũng là động lực cốt lõi kích thích dòng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư sản xuất hàng hóa để có C/O ưu đãi tại Việt Nam, từ đó xuất khẩu ra các nước trong TPP.
TPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tương đối toàn diện sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho thành viên tham gia hiệp định, thể hiện ở việc nắn dòng chảy FDI hướng về các quốc gia này, điều chỉnh chuỗi cung ứng giá trị khu vực trong phạm vi FTA này và hạn chế không cho các quốc gia ngoài TPP được hưởng lợi thông qua việc thiết kế bộ quy tắc xuất xứ.
Theo đó, bắt buộc một số nhóm hàng trọng điểm phải sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ trong khối, nhằm nâng cao hàm lượng chế biến có xuất xứ từ các nước thành viên TPP trong thành phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị gia tăng ở lại với quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đó.
Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được cơ hội hình thành chuỗi cung ứng mới khi tham gia vào các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Canada... Cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp của ta sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của các nước lớn, trong khi các doanh nghiệp cạnh tranh của các nước khác không tham gia TPP sẽ không được tham gia.
TPP sẽ giúp Việt Nam nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế và hệ quả là tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo; có nguồn lực nâng cao chất lượng nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cải thiện môi trường và phát triển bền vững hơn.
TPP với các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch, hành xử khách quan sẽ giúp cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; bộ máy theo hướng tinh, gọn, trong sạch, vững mạnh, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương...
Ông Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho rằng: Hội nhập nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng luôn có 2 mặt: Thuận lợi và khó khăn; cơ hội và thách thức...Tham gia TPP với những thuận lợi, cơ hội như nêu trên thì đi kèm đó là những rủi ro, thách thức ở các lĩnh vực. Về kinh tế, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi).
Để vượt qua thách thức này, Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp ở các lĩnh vực theo hướng giá trị, hiệu quả gắn với thị trường; thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất để sản phẩm nông nghiệp của nước ta và tỉnh ta có thể đứng vững được trên thị trường sân nhà.
Do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm; việc xóa bỏ thuế nhập khẩu vào Việt Nam lại được thực hiện theo lộ trình nên vấn đề thu ngân sách cơ bản sẽ không tác động lớn và đột ngột. Bù lại sản xuất, kinh doanh phát triển thì thu ngân sách từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên bù đắp cho thu từ thuế nhập khẩu.
Với các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch, hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... Nhưng, đó là tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến để xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân và vì dân với đội ngũ công chức có năng lực, kỷ luật, kỷ cương.
Về mặt xã hội, khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu bị khó khăn hoặc phá sản, kéo theo là khả năng thất nghiệp của một bộ phận lao động... Song, tác động này có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
Đinh Chúc