Cuộc sống đang yên đang lành thì tai họa ập xuống đối với gia đình chị Đ.T. H., xã Gia Lạc (Gia Viễn). Chồng chị H. không may qua đời vì tai nạn giao thông do uống rượu liên hoan cuối năm, không làm chủ được tay lái đã đâm vào dải phân cách bằng bê tông. Mất đi trụ cột, gánh nặng kinh tế dồn hết lên đôi vai chị H. Không nghề nghiệp, 2 con đang trong tuổi ăn tuổi lớn, chị H. ngoài lam lũ làm vài sào ruộng theo mùa, phải tranh thủ đi làm thêm nghề bốc gạch thuê.
Vừa vất vả kiếm ăn nuôi con, chị H. vừa phải lo trả khoản nợ gần 50 triệu đồng do anh chị đã vay trước đó để xây nhà. "Những vất vả thì tôi có thể chịu đựng được, nhưng nỗi trống trải, buồn đau không dễ gì nguôi ngoai, nhất là khi các con đang tuổi ăn tuổi lớn, khó có ai thay thế được vị trí của người cha trong chúng.
Giá như ngày đó anh đừng uống quá nhiều rượu, thì chuyện đau lòng chắc đã không xảy ra. Và ba mẹ con tôi đã không bơ vơ trong nỗi nhớ chồng, nhớ cha quay quắt và cuộc sống khốn khó như bây giờ.
Một người ra đi nhưng để lại nỗi đau cho nhiều người. Tôi mong mọi người tham gia giao thông cần thận trọng, đặc biệt là không uống rượu, bia để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và những người khác…" Chị H. buồn đau chia sẻ.
Vụ ẩu đả giữa những thanh niên mới lớn do uống rượu, bia quá chén khiến người vào tù, kẻ tàn tật là bài học lớn cho nhiều thanh niên phường N.P (thành phố Ninh Bình).
Chuyện xảy ra đã hàng năm nay nhưng những người dân trong phố vẫn chưa hết bàng hoàng khi những thanh niên ấy, lúc chưa uống rượu còn là những người bạn cùng làm nghề, cùng lớn lên và vui chơi cùng nhau, nhưng khi rượu vào, lời ra, qua những lời nói khích tướng, tỏ máu anh hùng, đã phe cánh vác rao, gậy gộc ẩu đả đâm chém nhau ầm ĩ cả khu phố.
Giờ thì người mang tật, kẻ đi tù, có những gia đình là anh em họ hàng chi trên chi dưới nhưng đã từ mặt, không còn tình nghĩa với nhau, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự xóm phố.
Tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình, các khu, điểm du lịch và nhiều quán ăn ở các địa phương hầu hết đàn ông khi đi ăn thường uống rượu, bia và sau đó ra về bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô tự lái.
Đường nông thôn hiện nay đã được bê tông hóa rộng rãi, đường thành thị được mở rộng khang trang, khi đã ngấm bia, rượu, người lái xe thường không thể làm chủ tay lái, từ đó đã có nhiều lái xe gây tai nạn giao thông khi vừa rời bàn nhậu. Quá nhiều hậu quả, số phận phía sau tay lái, thế nhưng không phải người lái xe nào cũng nhận thức được điều ấy.
Thực tế uống bia, rượu đã trở thành một thói quen cố hữu của nhiều người dân, thường được sử dụng vào những sự kiện trọng đại trong đời sống xã hội như các dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi, ma chay... để chúc tụng, ăn mừng, chia sẻ vui buồn với nhau. Vì thế, có thể nói rượu trở thành "chất xúc tác" trong mối quan hệ giữa người và người, góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên cao đẹp, thân thiện, hòa đồng và gần gũi hơn.
Thế nhưng, cũng chính việc lạm dụng rượu, bia quá mức ở một số người khi sử dụng đã làm cho họ mất khả năng kiểm soát hành vi của mình, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc và đau lòng. Việc uống ở mức độ nào, uống bao nhiêu là đủ và thông điệp "Đã đã uống rượu, bia thì không lái xe" chưa làm nhiều người quan tâm, thậm chí còn rất lơ là, chủ quan.
Theo các chuyên gia y tế, những người lạm dụng rượu, bia thường bị những sang chấn tâm lý nặng nề như gây nghiện, mất trí nhớ, gây ảo giác… mất kiểm soát hành vi, dễ dẫn đến các tác hại khôn lường.
Đó là chưa kể đến những vụ ngộ độc rượu do nạn nhân uống nhầm phải rượu pha lẫn cồn công nghiệp, rượu giả… làm tê liệt thần kinh, dẫn đến tử vong do lượng cồn trong máu vượt quá giới hạn. Những vụ tử vong lên đến hàng chục người do ngộ độc rượu thời gian vừa qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại khôn lường của thứ nước uống có cồn này.
Cùng với đó là những vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người điều khiển phương tiện giao thông say rượu không làm chủ tốc độ; hay là những trận ẩu đả, chém giết kinh hoàng do không làm chủ hành vi chỉ vì một lời nói "nghe không thuận lỗ tai", khi người ta đã quá chén. Và cả những bi kịch gia đình do người chồng, người cha nghiện rượu hành hạ, đánh đập, bạo hành vợ con, những vụ xâm hại tình dục…
Những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta đã giảm đáng kể. Đặc biệt, Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã nâng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông lên tới mức 18 triệu đồng, đã phần nào giảm thiểu được tai nạn giao thông. Tuy nhiên vẫn chưa thể ngăn chặn được tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia.
Do vậy, việc làm trước mắt và cần thiết nhất vẫn là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Hơn lúc nào hết, người tham gia giao thông phải tự hiểu rằng, nếu chưa từ bỏ được thói quen lạm dụng rượu, bia thì không nên điều khiển phương tiện giao thông dưới bất cứ hình thức nào. Có như vậy thì họ mới tự bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của bản thân, của người thân và cho cả những người khác khi tham gia giao thông.
Hạnh Chi