Những năm gần đây, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước luôn được huyện Yên Khánh quan tâm triển khai kịp thời đến đối tượng được hưởng. Tổng kinh phí hỗ trợ trong hai năm 2016-2017 là trên 32 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ công tác dồn điền đổi thửa, đào tạo nghề, miễn giảm thủy lợi phí; hỗ trợ lãi suất tiền vay, khắc phục hậu quả thiên tai…
Nhìn chung, việc thực hiện các chính sách này đã tạo động lực quan trọng đưa Yên Khánh trở thành một trong những huyện sản xuất nông nghiệp lớn nhất tỉnh. Cùng với việc dồn điền đổi thửa thì cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng cũng được nâng cấp tạo nên tính chuyên nghiệp, hiện đại cho sản xuất. Trên địa bàn đã từng bước quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Đến nay, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác của huyện đạt 130 triệu đồng/ha, sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt trên 95 nghìn tấn. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, toàn huyện có 18/18 xã đạt chuẩn NTM.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tập trung làm rõ những tác động của những chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương, khó khăn bất cập trong quá trình triển khai. Cụ thể như: việc triển khai, phổ biến cơ chế chính sách đến các đối tượng được huyện thực hiện như thế nào; huyện có cơ chế hỗ trợ riêng không; việc tiếp cận vốn vay ưu đãi đối ở các HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; các chính sách về đất đai, thủy lợi phí, phát triển đất lúa…
Nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị trong thời gian tới tỉnh, Trung ương cần tiếp tục có các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đưa ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Hỗ trợ mở rộng diện tích các giống lúa đặc sản, lúa xuất khẩu. Song song với đó, quan tâm đến khẩu bảo quản, sơ chế, chế biến sau thu hoạch, nhất là hỗ trợ lò sấy cho các HTX.
Đoàn giám sát làm việc tại huyện Yên Khánh.
Có cơ chế tạo sự liên kết giữa các hộ sản xuất, giữa hộ sản xuất với đơn vị bao tiêu sản phẩm tạo điều kiện bao tiêu nông sản cho bà con. Bên cạnh đó, cũng rất cần có một chính sách rõ ràng hơn trong quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Ngọc Hà đánh giá cao việc thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ trên địa bàn huyện đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong xây dựng NTM, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình kinh tế phù hợp.
Đồng chí cũng đề nghị huyện cần lưu ý hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Trung ương, của tỉnh đến các đối tượng, nhất là người nông dân. Chủ động hơn trong đầu tư mua sắm các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, tránh tâm lý trông chờ, ỷ nại vào chính sách. Đồng thời, tạo điều kiện về mặt cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Quan tâm tăng tỷ lệ đào tạo nghề về nông nghiệp. Đồng chí cũng yêu cầu huyện tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh báo cáo gửi về Đoàn giám sát để tổng hợp.
Trước đó, vào buổi sáng, đoàn đã có khảo sát thực tế tại HTX nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc và xã Khánh Thành. Thời gian qua, cả 2 đơn vị này đều đã năng động, tiếp cận tốt với các chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tại HTX nông nghiệp Hợp Tiến đến nay hầu hết các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa, 100% diện tích lúa đều sử dụng phương thức gieo thẳng.
Với 2 lò sấy được hỗ trợ theo Nghị quyết 37 của tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hiện mỗi năm HTX đã sấy được từ 800-1000 tấn lúa ng cho bà con nông dân. Đặc biệt, HTX đã tổ chức sắp xếp lại 70 ha đất 2 lúa mà các hộ thành viên không có lao động để cho các hộ khác thuê lại triển khai sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu.
Với xã Khánh Thành, thời gian qua các chính sách hỗ trợ đều được công khai, minh bạch, triển khai đến đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao, tạo động lực để người dân yên tâm phát triển sản xuất. Thực hiện, tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của xã đã có sự chuyển dịch rõ nét, giá trị trên từng lĩnh vực đều tăng. Năm 2017 giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác của xã đạt 139 đồng/ha/năm (tăng 24 triệu đồng so với năm 2015).
Hà Phương- Đức Lam