Cùng tham gia đoàn giám sát có đồng chí Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Ninh Bình, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nội vụ; đại diện một số Ban của HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND thành phố Ninh Bình: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 149 cán bộ, 154 công chức cấp xã; 2.768 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, trong đó có 66 người kiêm nhiệm chức danh.
Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của trung ương, của tỉnh.
Thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh đối với những người hoạt đông không chuyên trách theo Nghị quyết 34 của HĐND tỉnh.
Thực hiện Đề án thí điểm thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh những người hoạt động không chuyên trách tại phường Thanh Bình, phường Tân Thành. Kết quả, 2 đơn vị trên đã giảm được 70 người hoạt động không chuyên trách. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Từ thực tế thực hiện các quy định của pháp luật và Nghị quyết của HĐND tỉnh về cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân dân phố trên địa bàn, thành phố Ninh Bình nhận thấy vẫn còn một số hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó thành phố kiến nghị với tỉnh một số vấn đề để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã trao đổi làm rõ hơn một số vấn đề về: việc đánh giá xếp loại đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; số lượng từng chức danh công chức; hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách riêng của thành phố về việc thí điểm mức phụ cấp được hưởng cho những chức danh kiêm nhiệm...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Pháp luật và Nghị quyết của HĐND tỉnh về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân dân phố trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Trong đó việc quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và các chế độ chính sách cho họ được thành phố thực hiện nghiêm túc.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân dân phố trên địa bàn thành phố Ninh Bình đông nhưng chưa thực sự mạnh, còn một số ít cán bộ, công chức tinh thần, trách nhiệm làm việc chưa cao; việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm chức danh còn ít; việc bố trí cán bộ, công chức ở một số chức danh có chuyên môn đào tạo chưa thật sự phù hợp, đúng vị trí công tác... Do đó việc tinh giản bộ máy là cần thiết, đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm thực hiện tốt vấn đề này.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát cũng trao đổi làm rõ hơn một số kiến nghị của thành phố. Ghi nhận các ý kiến phát biểu giải trình làm rõ của các đại biểu đại diện lãnh đạo ngành chức năng của thành phố; tiếp thu các ý kiến kiến nghị của các thành phố, Đoàn tổng hợp để báo cáo HĐND tỉnh.
• Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh đã có buổi giám sát tại Sở Nội vụ về việc thực hiện các quy định của pháp luật và Nghị quyết của HĐND tỉnh đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát làm việc tại Sở Nội vụ. ẢNh: TM
Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số biên chế cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh là 3.129 người, so với quy định của tỉnh, hiện còn thiếu 43 người, tuy nhiên lại thừa 20 phó chủ tịch UBND cấp xã do thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đến nay chưa bố trí chuyển đổi được.
Số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh là 7.492 người. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cả cấp xã và thôn, tổ dân phố còn cao, nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định Trung ương và của tỉnh giao.
Trong những năm qua, Đảng , Nhà nước đã có nhiều quan tâm thông qua việc ban hành hàng loạt những văn bản quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Điều quan trọng là những văn bản sau khi ban hành có nội dung quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn và có chính sách chế độ cởi mở và quan tâm hơn.
Ở tỉnh, ngoài việc chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt, đúng quy định, có hiệu quả những quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã quan tâm ban hành chính sách riêng vừa đúng với quy định của Trung ương, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy vậy, trên thực tế cũng còn những hạn chế nhất định như: công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cán bộ chưa kịp thời. Công tác chỉ đạo, điều hành, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức của một số địa phương chưa phù hợp, tình trạng người nhiều việc, người ít việc vẫn còn xảy ra, chưa thực sự tạo được động lực cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phát huy hết năng lực của mình trong công tác. Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố chất lượng chưa đồng đều, dẫn đến người nhiều, hiệu quả công việc thấp.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, Sở Nội vụ đã đề xuất một số kiến nghị với trung ương, với tỉnh để việc thực hiện các quy định của pháp luật và Nghị quyết của HĐND tỉnh đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đạt kết quả hơn nữa, cụ thể: Đề nghị trung ương sửa đổi Nghị định 92 ngày 20/12/2009 của Chính phủ cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đề nghị Quốc hội xem xét một số tiêu chí riêng đối với cấp xã có điều kiện đặc thù (quy mô dân số, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội...) để được bố trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc; cần thống nhất chỉ định một cơ quan quy định về người hoạt động không chuyên trách, tránh tình trạng cơ quan, đơn vị, bộ, ngành nào cũng ban hành chức danh người hoạt động không chuyên trách như hiện nay, dẫn đến có quá nhiều người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; đề nghị HĐND tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc UBND các huyện, thành phố ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn của công chức cấp xã...
Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, các thành viên trong đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ hơn một số vấn đề: Việc tham mưu giúp tỉnh bố trí cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; việc đánh giá xếp loại đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; chính sách thu hút cán bộ, công chức cấp xã; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát khẳng định: Sở Nội vụ đã làm tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật, Nghị định và các văn bản của Trung ương, đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Với chức năng của mình, Sở đã triển khai thực hiện tốt về chế độ chính sách, thực hiện nghiêm chức năng quản lý Nhà nước về đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Sở Nội vụ cũng đã chủ động chỉ đạo việc xem xét, đánh giá chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn trong công tác tham mưu của Sở Nội vụ do một số quy định của trung ương chưa đồng bộ. Đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tớ, đó là: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã trình độ chuyên môn hạn chế, tinh thần trách nhiệm với công việc chưa cao.
Đồng chí đề nghị Sở cần tập trung làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã. Đồng chí giao Sở Nội vụ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, hoàn thiện các đề xuất các kiến nghị với trung ương để có các giải pháp phù hợp, khắc phục những bất cập trong thực hiện pháp luật Nhà nước về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Mai Lan