Không ngừng hoàn thiện tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có việc chia tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Ninh Bình và Nam Hà. Thực hiện Nghị quyết này, ngày 21/3/1992, HĐND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức kỳ họp đầu tiên để kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền của tỉnh, biểu quyết lấy tên gọi nhiệm kỳ 1989 - 1994 là nhiệm kỳ khóa IX.
Thời điểm tách tỉnh, số đại biểu HĐND tỉnh từ Hà Nam Ninh chuyển về là 22 người. Thực hiện quy định của pháp luật, tỉnh Ninh Bình đã khẩn trương tổ chức cuộc bầu cử để bầu bổ sung đại biểu HĐND tỉnh đảm bảo số lượng theo quy định.
Sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, ngày 19/7/1992 cử tri toàn tỉnh đã đi bỏ phiếu bầu bổ sung đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình; kết quả, đã bầu bổ sung 38 đại biểu, nâng tổng số đại biểu HĐND tỉnh của nhiệm kỳ này lên 60 người, trong đó: đại biểu nữ chiếm 21,1%; đại biểu tôn giáo chiếm 2,6%, đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 2,6%; tuổi đời bình quân 46,7 (đại biểu trẻ tuổi nhất 30 tuổi và cao tuổi nhất 66 tuổi).
Là một trong những đại biểu trẻ tuổi nhất được bầu bổ sung trong nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa IX, ông Phạm Hữu Hội (Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Sơn) vẫn còn nhớ như in những năm tháng được tham gia đóng góp, đồng hành với HĐND tỉnh từ những ngày đầu tái lập tỉnh. Ông chia sẻ: "Năm 1992, khi ấy tôi 30 tuổi và là Phó Bí thư Huyện đoàn Kim Sơn. Được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh là niềm vinh dự, tự hào, song cũng là trọng trách không nhỏ đặt lên vai mỗi đại biểu, nhất là đại biểu trẻ như tôi lúc bấy giờ.
Thời điểm vừa mới được tái lập, bên cạnh niềm vui, phấn khởi vì đã thỏa được mong ước nhiều năm của cán bộ, nhân dân trong tỉnh thì vẫn còn không ít khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Khó khăn chung là Ninh Bình có điểm xuất phát thấp, nền kinh tế thuần nông, công nghiệp nhỏ bé, manh mún, phân tán, lạc hậu. Hoạt động của HĐND tỉnh cũng không nằm ngoài khó khăn chung đó, đa phần các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, trang thiết bị, điều kiện làm việc còn thiếu thốn. Song, tôi và mỗi đại biểu HĐND tỉnh luôn xác định cho mình mục tiêu, lý tưởng sống cống hiến, vì thế đã không quản khó khăn, luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, sâu sát cơ sở để lắng nghe, truyền tải được tiếng nói của dân tới HĐND tỉnh một cách hiệu quả nhất. Trong nhiệm kỳ đầu tiên sau khi tái lập tỉnh, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 11 kỳ họp, bên cạnh việc ban hành nghị quyết theo quy định của pháp luật hàng năm, đã ban hành 14 nghị quyết chuyên đề. Thông qua hoạt động tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã thể hiện tính dân chủ, công khai và khẳng định rõ vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương".
Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XV cho biết: Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, HĐND tỉnh đã qua 7 nhiệm kỳ hoạt động. Qua mỗi nhiệm kỳ, tổ chức của HĐND tỉnh ngày càng được hoàn thiện, chất lượng, hiệu quả hoạt động được từng bước nâng lên. Hiện nay, HĐND tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ2021- 2026) có 50 đại biểu, trong đó 62% đại biểu có trình độ chuyên môn trên đại học; 78% đại biểu có trình độ cao cấp lý luận chính trị; tỷ lệ đại biểu nữ chiếm 24%. 100% lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách.
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm, thành quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, HĐND tỉnh khóa XV đã chủ động, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác tổ chức kỳ họp có những tiến bộ rõ nét về nội dung và cách thức tiến hành, trong đó chú trọng nêu cao trách nhiệm của đại biểu dân cử, phát huy trí tuệ tập thể, mở rộng dân chủ để quyết định giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hoạt động giám sát của HĐND tiếp tục có nhiều đổi mới, trong đó chú trọng đến việc tổ chức giải trình và cải tiến hoạt động chất vấn theo hướng dân chủ, thực chất, "hỏi - đáp trực tiếp", tập trung vào những vấn đề trọng tâm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm. Công tác dân nguyện đã góp phần gắn kết mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu dân cử.
Những quyết sách mang tầm chiến lược
Sau 30 năm tái lập tỉnh, với 7 nhiệm kỳ hoạt động, HĐND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công 95 kỳ họp, thông qua hơn 940 nghị quyết trên các lĩnh vực. Nhiều nghị quyết mang tầm chiến lược đã góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Trong mỗi nhiệm kỳ, bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, căn cứ tình hình thực tiễn, HĐND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà, góp phần tác động mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giải quyết các yêu cầu xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.
Điển hình phải kể đến: chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng (mở rộng khu công nghiệp, xây dựng khu nhà ở công nhân, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư...) đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp phụ trợ phát triển, trở thành ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp lớn trong tổng thu ngân sách địa phương; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững đã góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng chất lượng, giá trị gia tăng, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, với các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, cùng với việc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á đã góp phần tạo ra diện mạo mới và sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.
Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục, về phòng chống dịch COVID-19 được ban hành kịp thời, nhân dân đồng tình hưởng ứng, đem lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các nghị quyết của HĐND tỉnh đã đi vào cuộc sống, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cựu chiến binh Lã Phú Nhuận, người dân ở xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô hài lòng về những quyết sách hợp lòng dân, ông nói: 30 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có sự thay đổi to lớn về mọi mặt. Những năm đầu khi mới tái lập, người nông dân vẫn phải loay hoay với việc làm sao để có được cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý; làm sao để thu hoạch lúa một cách nhanh chóng, gọn bờ vùng, bờ thửa...
Hôm nay, nhờ các chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp, chỉnh trang đồng ruộng gắn với đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giải phóng sức người, tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng nông sản. Kinh tế phát triển, điện, đường, trường, trạm ở nông thôn cũng từng bước được đầu tư xây dựng khang trang. Hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở từ tự phát đã phát triển thành phong trào sôi nổi, lan tỏa... góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của người dân. Những chính sách mà HĐND tỉnh đã ban hành bắt nguồn từ cuộc sống, hợp lòng dân nên đã khơi dậy được sức dân. Tôi tin rằng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới và sáng tạo, hoạt động của HĐND tỉnh sẽ ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, thúc đẩy công cuộc đổi mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Đồng chí Trần Hồng Quảng khẳng định: Vai trò của HĐND tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua đã thể hiện rất rõ nét, bằng những quyết sách đúng đắn, kịp thời, mang tầm chiến lược, tạo động lực cho phát triển của tỉnh. Những quyết sách đó cũng thể hiện tâm, tầm của các thế hệ đại biểu HĐND tỉnh, bởi dù hoạt động ở giai đoạn nào, dù cương vị, hoàn cảnh khác nhau nhưng các thế hệ đại biểu đã luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình, sâu sát cơ sở, thấu hiểu và trăn trở với những nguyện vọng chính đáng của người dân, nỗ lực hết mình cống hiến tài năng, trí tuệ, là cầu nối giữa cử tri với chính quyền nhà nước, làm tròn trách nhiệm nhân dân giao phó, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tỉnh Ninh Bình. Đây cũng sẽ là động lực quan trọng để các đại biểu HĐND tỉnh hôm nay kế thừa, tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động, tạo xung lực mới, sức bật mới trong sự phát triển của tỉnh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình hôm nay và mai sau.
Đinh Ngọc