Nhiệm kỳ 2011-2016, thành phố Ninh Bình có nhiều chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bộ mặt đô thị khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Trong thành tích chung của thành phố có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của HĐND thành phố, từ các quyết sách được quyết định tại các kỳ họp.
Nhiệm kỳ qua, HĐND thành phố đã ban hành 69 nghị quyết, trong đó có 34 nghị quyết liên quan đến việc quyết định thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương như: Nghị quyết quy định về cơ chế hỗ trợ, Nghị quyết về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, Nghị quyết về việc thông qua đề án đề nghị công nhận thành phố Ninh Bình là đô thị loại II…
Các nghị quyết đều được xây dựng và ban hành đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền, làm căn cứ pháp lý để UBND thành phố và UBND các xã, phường cụ thể hóa tổ chức thực hiện. Trước khi ban hành nghị quyết, các Ban của HĐND thành phố và các cơ quan chuyên môn của thành phố đã tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo để đảm bảo vừa phát huy trách nhiệm, vừa tạo sự thống nhất cao trước khi trình tại kỳ họp.
Tùy thuộc vào nội dung các dự thảo nghị quyết mà quy trình thẩm tra được lựa chọn cho phù hợp: thu thập thông tin, lấy ý kiến từ cơ sở, bám sát các chủ trương, chính sách mới, thẩm tra tính thực tiễn… Ngay tại các kỳ họp của HĐND thành phố, dự thảo các nghị quyết cũng được đưa ra thảo luận sôi nổi nhằm lấy các ý kiến đóng góp để các dự thảo nghị quyết đảm bảo về mặt nội dung và hình thức, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mà nghị quyết đề cập.
Việc triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố ngay sau khi có hiệu lực đã được UBND thành phố và các ngành cụ thể hóa thành những quy định, quyết định có hiệu lực pháp lý để các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn thành phố thực hiện. Do đó, hầu hết các nghị quyết của HĐND thành phố nhiệm kỳ qua đã thực sự đi vào cuộc sống. Tiêu biểu như việc thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển kinh tế.
Từ chủ trương của HĐND thành phố được ban hành những năm qua thành phố có nhiều giải pháp để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư. Thành phố đã ưu tiên, tạo điều kiện để phát triển một số ngành nghề truyền thống của địa phương như: mộc, may mặc, thêu ren, thủ công mỹ nghệ…
Do đó sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Hoạt động dịch vụ du lịch cũng có bước phát triển mạnh khi chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất ngành du lịch được tăng cường và đầu tư ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 161 nhà nghỉ, khách sạn, trong đó có 3 khách sạn xếp hạng 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 2 sao. Từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn nghỉ của du khách trong và ngoài nước. Qua đó góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố hàng năm đạt bình quân 9,8%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, nông nghiệp giảm dần phù hợp với quá trình đô thị hóa. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh đã góp phần đưa thành phố nâng cấp lên đô thị loại II sớm hơn một năm…
Để các nghị quyết từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, HĐND thành phố còn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chức năng giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND. Nội dung các cuộc giám sát tập trung vào việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND các cấp. Trong đó, chú trọng đến các lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm như: quản lý đất đai, quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng, an toàn giao thông, y tế, giáo dục, đảm bảo chế độ, chính sách đối với người lao động…
Thông qua việc giám sát đã tổng hợp những ý kiến đề xuất, kiến nghị từ cơ sở, góp phần cùng với các ngành chức năng giải quyết, xử lý những tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả. Từ kết quả các cuộc giám sát của HĐND thành phố đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành giải quyết những vấn đề khó khăn nảy sinh, nổi cộm ở cơ sở.
Đồng thời, hoạt động của HĐND còn giúp cho UBND, các cơ quan, đơn vị có liên quan khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và củng cố chính quyền ngày càng vững mạnh.
Bùi Diệu