Hầu đồng hay còn gọi là hầu bóng là nghi lễ phổ biến nhất của đạo Mẫu. Người ta tin rằng khi hầu đồng, linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người các cô, cậu đồng để nghe lời cầu khấn của các con nhang (đệ tử đi lễ) mà ban cho họ những điều khẩn nguyện. Tôi được chứng kiến những buổi hầu đồng tấp nập, trong một ngôi đền nhỏ mới trùng tu ở Thành phố Ninh Bình. S.,một người đàn ông khoảng 40 tuổi, da trắng, giọng nói gần giống nữ giới là chủ - người đứng giá của các buổi hầu đồng ở đây. Người ta thường gọi là "thầy" hoặc "cậu". Nơi diễn ra hầu đồng được trang trí gần giống với một chiếu chèo. "Cậu" ngồi ở giữa, bốn phụ đồng gồm cả nam và nữ giúp "cậu" thay xiêm áo và giúp các thao tác lễ lạt. Các con nhang, đệ tử ngồi quây kín bốn xung quanh. Nhiều người của các đoàn khác ngồi chờ đến lượt, thi thoảng cũng được hưởng lộc rơi vãi. Giọng hát văn của "cậu" S. thay đổi liên tục, khi réo rắt tươi vui, lúc chán chường, buồn bã. Tâm trạng của các con nhang cũng liên tục thay đổi theo khuôn mặt, tâm trạng "cậu". Lúc cao hứng, nhập đồng, "cậu" lại cất tiếng hú đến rợn gai ốc. Mỗi lần nhập vai là một giá đồng. Sau mỗi giá, "cậu" lại ban lộc thánh là tiền, hoa quả, bánh kẹo... cho các con nhang đệ tử trong đoàn. Mỗi buổi hầu thánh đầy đủ thủ tục phải qua 36 giá và khá tốn kém. Không ít người đứng giá, có chút kiến thức và khả năng hát văn, đã lao vào kiếm tiền, bất chấp thủ đoạn. ở nhiều cửa đền, cửa phủ trong những ngày đầu năm hàng đoàn các thanh đồng đi "trình đền mở phủ" đầu xuân. ở phủ nhà "cậu" T., tôi gặp H. và được cô cho biết: "Em đã đi gặp nhiều thầy, ai cũng bảo, làm ăn muốn phát đạt thì phải mở vài giá đồng thì mới có cơ may phất. Thực sự, em đã đi nhiều nơi rồi, nhưng phất thì chưa thấy, mà thấy tốn kém. Đã lao thì phải theo lao, cứ tiếp tục xem sao". Khác với H., nhiều con nhang khác vì muốn cho thánh thần nhanh chóng soi xét hoàn cảnh mình, đã thuê cả "cô", "cậu" về tư dinh để lập điện, lên đồng. Tôi được biết trường hợp của một đại gia ở Thành phố Ninh Bình đã bỏ ra rất nhiều tiền, bằng cả đời một người công nhân góp nhặt để chi cho một buổi hầu đồng. Trong đó, cung văn được tuyển từ những nghệ sĩ hát chèo, quan họ, diễn viên sân khấu... đang nổi. Tiền chi cho "cậu" là 120 triệu đồng và gần 70 triệu đồng trả cung văn và hàng chục triệu tiền "lộc". Thế nhưng lộc chưa thấy đâu, chỉ biết sau chưa đầy 1 tuần buổi hầu đồng "hoành tráng" ấy diễn ra, nam tử của đại gia đã phải nhập viện vì tai nạn giao thông.
Nắm bắt được tâm lý của người dân, với nhu cầu hầu đồng ngày càng tăng, mức độ lợi lộc càng lớn, không ít người đã đua nhau xây đền, xây phủ để kinh doanh. Đây thực chất là hoạt động "buôn thần bán thánh", không mang ý nghĩa tâm linh mà bị một số thành phần cơ hội lợi dụng kiếm lời..
Ngày nay, càng có nhiều người cho rằng "giá hầu" càng mâm cao, cỗ đầy thì càng thúc đẩy công việc trôi chảy hơn hoặc tinh thần thoái mái hơn thì càng có nhiều "cô đồng bóng cậu" ăn nên làm ra. Thực chất nhiều người đã bỏ những đồng tiền vào những điều hão huyền, ảo tưởng. Hãy trả lại bản chất tốt đẹp cho hầu đồng, để hầu đồng mãi là giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, trong đó công tác tuyên truyền để người dân tự nhận thức ra những giá trị văn hóa tốt đẹp của hầu đồng, không cuồng tín, để bị lợi dụng đóng một vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, những đơn vị như Nhà hát chèo Ninh Bình cũng cần đưa hầu đồng lên những sân khấu trình diễn để những nét đẹp về nghệ thuật của loại hình này ngày càng được tôn vinh.
Nguyễn Khánh