Em Nguyễn Lê Minh Hoàng, học sinh lớp 6D, Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình) có mặt từ rất sớm trong ngày xuất quân tâm sự: Đây là lần thứ 2 em tham gia chương trình học kỳ quân đội nhưng em vẫn thấy rất háo hức, sau khi nhận "quân tư trang" em đã tự giặt đồ và tự mặc quần áo cho mình mà không cần đến sự trợ giúp của bố mẹ. Điều thực sự đọng lại trong em khi tham gia học kỳ quân đội năm trước đó là thái độ ứng xử lễ phép đối với cha mẹ, tình yêu thương bạn bè; việc hành quân dã ngoại của các chú bộ đội đã giúp em hiểu hơn về những gian nan trong huấn luyện. Tham gia khóa học, em ý thức được mình phải sống tự lập hơn, trước hết là biết cách tự sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, ngăn nắp; ăn ngủ đúng giờ và vui chơi hợp lý. Với mong muốn được tiếp tục trải nghiệm cuộc sống trong môi trường quân đội nên em đã xin phép bố mẹ để tham gia học kỳ quân đội năm nay.
Được tổ chức từ năm 2012, Chương trình "Học kỳ quân đội" ngay lập tức đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Đây là một mô hình xây dựng và phát triển tư duy mới, được kết hợp một cách khoa học từ nhiều giáo trình tiên tiến trên thế giới nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tập thể.
Năm nay, Chương trình học kỳ quân đội được tổ chức trong 10 ngày, huấn luyện tại Lữ đoàn 241 (Quân đoàn 1). Tham gia chương trình, các em được tiếp cận nhiều kiến thức, từ kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội như: được tìm hiểu, giáo dục về những nét tiêu biểu của truyền thống dân tộc Việt Nam, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và truyền thống của Lữ đoàn 241; xây dựng ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó, ham học hỏi, cầu tiến bộ của thanh, thiếu niên Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay; được giới thiệu về 10 Lời thề danh dự của quân nhân, 12 Điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân và chức trách chiến sỹ; tập huấn kỹ thuật cấp cứu; được thực hành kỹ năng đi rừng, tìm phương hướng khi bị lạc trong rừng; được bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm, thể hiện bản thân trong sinh hoạt tập thể; tham gia lao động sản xuất và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ bổ ích…
Đặc biệt, các em phải làm tất cả những công việc chăm sóc cho bản thân, rèn luyện ý thức kỷ luật từ giờ giấc ăn, ngủ, nghỉ, sắp xếp đồ cá nhân một cách khoa học. Ngoài ra, việc tham gia sinh hoạt cộng đồng sẽ giúp các em hòa đồng, gần gũi, tự tin hơn.
Ông Nguyễn Văn Sinh ở phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) có hai cháu ngoại tham gia chương trình Học kỳ quân đội lần này cho biết: Khi các cháu xin phép bố mẹ cho đăng ký tham gia học kỳ quân đội vì muốn được hiểu hơn về nghề nghiệp của ông ngoại, về bố của mình - những người lính, tôi và gia đình rất vui. Ở nhà, các cháu là những đứa trẻ ngoan, biết vâng lời cha mẹ, ông bà và chăm học hành. Kết thúc năm học 2013-2014, cả hai cháu đều được công nhận là học sinh giỏi, gia đình có ý định sẽ tổ chức cho các cháu đi du lịch để làm phần thưởng. Nhưng các cháu đã xin phép bố mẹ không đi du lịch mà được tham gia chương trình Học kỳ quân đội. Tôi nhận thấy, đây là cơ hội để tạo cho các cháu một môi trường học tập, rèn luyện bổ ích và trải nghiệm thực tế trong môi trường quân đội, các cháu sẽ chân trọng giá trị hòa bình, biết yêu thương gia đình và từ đó nâng cao ý thức kỷ luật, tự rèn luyện bản thân để tiếp tục "Tiếp bước cha anh", xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: Với thời gian ngắn 10 ngày, chúng tôi muốn gieo vào lòng các em một "hạt giống" thay đổi tư duy, thay đổi suy nghĩ và nhận thức để hướng các em đến những hành động đúng đắn. Chương trình cũng không phải là "thang thuốc" làm biến đổi mọi thứ như phụ huynh mong muốn, mà chỉ là hoạt động mang tính bước đệm để hình thành tính tốt ở trẻ. Những hoạt động bổ ích của chương trình chỉ thực sự được duy trì và phát huy sau khi kết thúc khóa học cần rất nhiều sự hợp tác tích cực từ phía phụ huynh để nó trở thành việc làm thường xuyên, thói quen hòa nhập dần vào trẻ.
Mai Lan - Thế Minh